Quốc hội chốt quy mô dự án mới về dược được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Chiều 21/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Bâo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, quá trình thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện việc đồng tình với quy định cần có sự đột phá trong ưu đãi nhằm phát triển ngành công nghiệp dược.
Dự thảo trình Quốc hội thông qua quy định: Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư, bao gồm: Nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm;
Nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chỉ được bán online thuốc kê đơn khi cách ly y tế dịch nhóm A
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác là luật đã bổ sung quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; bổ sung quyền, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức này.
Quốc hội thống nhất quy định cấm bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Bán buôn theo phương thức thương mại điện tử với thuốc phải kiểm soát đặc biệt cũng bị nghiêm cấm.
Luật đồng thời quy định cấm “kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thông tin điện tử (còn gọi là website thương mại điện tử) bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến”.
Như vậy, cơ sở kinh doanh dược được bán online thuốc không kê đơn mà thuốc đó không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt và không thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng không cần đơn thuốc, được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và thuộc Danh mục thuốc không kê đơn do Bộ Y tế công bố.
Trường hợp bán online thuốc kê đơn thì phải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, có ý kiến đề nghị chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử.
Việc này để tránh tình trạng thuốc kê đơn, thuốc phải quản lý theo đơn được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và thực hiện giao dịch mua thuốc ở chỗ khác.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Dược hiện hành đã quy định nghiêm cấm kinh doanh không đúng phạm vi chuyên môn ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Luật mới cũng đã bổ sung quy định cấm bán lẻ thuốc kê đơn theo phương thức thương mại điện tử, trừ trường hợp đặc biệt có cách ly y tế do dịch bệnh.
Như vậy, khi thực hiện hoạt động mua bán thuốc, cơ sở bán thuốc phải có trách nhiệm xác định đối tượng khách hàng và giao dịch là bán buôn hay bán lẻ. Nếu là bán buôn, khách hàng phải là cơ sở được quy định theo luật, nếu là bán lẻ thì khách hàng là người tiêu dùng và không được bán thuốc kê đơn.