Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp
Sau khi sắp xếp, số lượng các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, chiều 06/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi)); Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.
Theo phương án được Trung ương kết luận ngày 24/1/2025 với các cơ quan của Quốc hội, sẽ kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, đổi tên Ủy ban Quốc phòng - An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Đối ngoại; sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật - Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế - Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc UBTVQH: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội. Ngoài ra, còn có Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan; nên sử dụng cụm từ “cơ quan của Quốc hội” thay vì cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”.
Ban soạn thảo thấy rằng, trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong Luật là phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy. Việc sử dụng cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng xin ý kiến UBTVQH về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (có chứa quy phạm pháp luật) với hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội, UBTVQH thông qua; về đơn vị tham mưu, giúp việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và mối quan hệ với Văn phòng Quốc hội...
Phân định rõ phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng về tên gọi các ủy ban của Quốc hội là “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan hướng đến thực hiện công việc mang tính chuyên môn hóa cao, song không đồng nghĩa với việc những cơ quan này là “cơ quan chuyên môn” của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, không nên dùng từ “chuyên môn”, còn đương nhiên các cơ quan này phải có chuyên môn thì mới thực hiện được nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý sự đồng bộ, thống nhất của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cần phân định rõ phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; chỉ quy định những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật này. Các nội dung cụ thể thì để pháp luật chuyên ngành quy định nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm riêng, đồng thời, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực.
Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong lần sắp xếp, đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan thuộc Quốc hội sẽ sáp nhập một số Ủy ban của Quốc hội; giải thể, kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, Truyền hình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm vẫn giữ nguyên trạng phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội như trước đây.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH thống nhất về số thành viên UBTVQH; thống nhất giữ nguyên cách gọi “cơ quan của Quốc hội” như Luật hiện hành; nhất trí về cách quy định chung trong Luật và sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về số lượng, cơ cấu, tổ chức, các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và các ủy ban.
UBTVQH đồng tình với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban như Dự thảo Nghị quyết. Liên quan đến một số lĩnh vực, công việc như tôn giáo, thẩm tra điều ước quốc tế nên chuyển về cơ quan nào, UBTVQH đề nghị trước mắt giữ ổn định, trước đây cơ quan nào phụ trách thì chuyển nguyên trạng sau sáp nhập để tiếp tục thực hiện, tránh xáo trộn.
Về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của dự án luật, pháp lệnh, UBTVQH thống nhất theo hướng ủy ban nào chủ trì làm dự án luật, pháp lệnh nào thì phải chịu trách nhiệm về dự án đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chỉ tham gia thẩm tra.
Về mối quan hệ giữa Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội với Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Luật chỉ quy định khái quát; cần có nghị quyết riêng của UBTVQH ban hành quy định về công tác phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội với Văn phòng Quốc hội trong công tác tổ chức hoạt động, quản lý cán bộ chuyên môn…
UBTVQH thống nhất, hồ sơ Dự án Luật, 3 Dự thảo nghị quyết và tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định.
Cũng trong chiều 06/02, UBTVQH đã xem xét, thông qua một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Theo đó, với 100% Ủy viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua Dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 1212/2016/UBTVQH13 ngày 13/6/2016 và Nghị quyết số 730/2004/UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của UBTVQH về việc phê chuẩn Bảng lương chức vụ, Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát./.