Quốc hội: làm rõ hơn vụ Việt Á và 'chuyến bay giải cứu' trong báo cáo giám sát

Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-4 đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng'.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc 2 sai phạm rất lớn là “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa đề cập rõ – Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc 2 sai phạm rất lớn là “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa đề cập rõ – Ảnh: Quochoi.vn

TTXVN đưa tin, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, trong 3 năm 2020-2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch là hơn 236.452 tỉ đồng. Số tiền huy động từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 189.404 tỉ đồng, từ các nguồn khác hơn 47.000 tỉ đồng.

Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15.100 tỉ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỉ đồng.

Liên quan y tế dự phòng, báo cáo cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Từ thực tế trên, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31-12-2023.

Trang web Quochoi.vn dẫn thông tin từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nêu yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề cần làm rõ hơn, hiện còn bao nhiêu kinh phí, tài sản chưa được thanh, quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả; quá trình giám sát có thấy khúc mắc gì không? Tại các địa phương, bệnh viện còn vaccine thừa, quá hạn không; nguồn viện trợ, xã hội hóa thế nào… bởi có địa phương, nhà tài trợ tặng cả trăm tỉ đồng mua vaccine, đã quản lý sử dụng ra sao?

Ông đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để đoàn giám sát nêu ra các kiến nghị trong báo cáo. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hai sai phạm rất lớn là “chuyến bay giải cứu”, vụ Việt Á và nhấn mạnh, hai vụ án lớn không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa đề cập rõ.

Nhận định hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như Covid-19, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến, cần phải xây dựng cơ chế để bù các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch, tránh rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống.

Các thành viên cuộc họp cũng đồng quan điểm cần đánh giá đúng mức hai vụ việc nêu trên, làm rõ kẽ hở gì dẫn đến các sai phạm, đồng thời rà soát kinh phí ủng hộ Quỹ vaccine. Việc chi phải có hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính thì hiện có hướng dẫn chưa, phương án quản lý, sử dụng số tiền, hiện vật như thế nào… cần báo cáo công khai, đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp cho rằng, với một dịch bệnh có sự lây lan mạnh mẽ như Covid-19, Việt Nam cần rút ra các kinh nghiệm cụ thể để ứng phó tốt hơn, hợp lý hơn trong những tình huống tương tự xảy ra. Cần có đánh giá tổng thể những vấn đề còn vướng mắc trong quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể, khả thi, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, khắc phục được những tồn tại trong thời gian qua.

T.Huy

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quoc-hoi-lam-ro-hon-vu-viet-a-va-chuyen-bay-giai-cuu-trong-bao-cao-giam-sat/