Quốc hội lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban sẽ họp phiên đầu tiên thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, quy định cụ thể lộ trình, các công việc cần thực hiện, đảm bảo lấy ý kiến nhân dân.

100% các vị đại biểu có mặt bấm nút tán thành.

100% các vị đại biểu có mặt bấm nút tán thành.

Chiều 5/5, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 452/452 vị có mặt tán thành.

Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Sau đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 446/446 vị có mặt tán thành.

Theo nghị quyết, Ủy ban gồm 15 vị, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch. Ba Phó chủ tịch Ủy ban gồm có ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội và ông Lê Thành Long, Phó thủ tướng Chính phủ.

Các ủy viên còn lại gồm lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội và một số cơ quan Trung ương.

Trước khi bấm nút, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ vào cuối giờ sáng và thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày về các nội đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban.

Báo cáo thêm về ý kiến một số đại biểu nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nói, thành phần tham gia Ủy ban đã có cân nhắc hết sức kỹ lưỡng gồm đại diện các cơ quan tổ chức ở Trung ương, liên quan đến phạm vi nội dung sẽ sửa đổi, bổ sung tại Hiến pháp, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Ông Tùng phản ánh, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có thành phần đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham gia mà không có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Giải thích, ông Tùng nêu lý do đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham gia là vì theo dự kiến về lấy ý kiến nhân dân lần này sẽ áp dụng phương thức lấy ý kiến rất mới là thông qua ứng dụng VNeID để lấy ý kiến nhân dân nhanh, đầy đủ để tổ chức tiếp thu, giải trình đáp ứng bối cảnh khẩn trương. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển ứng dụng này. Cho nên, trong thành phần Ủy ban dự thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công an.

Nội dung sửa đổi không liên quan tới quốc phòng, an ninh, nên đại điện Bộ Quốc phòng không tham gia Ủy ban.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, Ủy ban dự kiến ngay cuộc họp chiều nay sẽ thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, kế hoạch quy định cụ thể lộ trình, các công việc cần thực hiện, đảm bảo lấy ý kiến nhân dân, các ngành các cấp toàn diện, thực chất, giải trình thấu đáo, toàn diện. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó có việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, như góp ý của đại biểu Quốc hội.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quoc-hoi-lap-uy-ban-du-thao-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-d278037.html