Quốc hội quyết định giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành'; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.
Chiều 8/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, với tỷ lệ 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiếu xin ý kiến gửi qua App Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về các giải pháp để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát; tăng cường các báo cáo độc lập của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, trong đó nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; tăng cường hoạt động “giám sát lại”, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; tổ chức các phiên giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính…
“Ngay sau khi được Quốc hội đồng ý đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay” - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.