Quốc hội thảo luận cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, dự thảo Nghị quyết gồm 7 Chương và 17 Điều quy định về: quy định chung; cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong; điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Để bảo đảm thể chế hóa kịp thời nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, dự thảo Nghị quyết quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.
Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), dự thảo Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự, dự thảo Nghị quyết quy định ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ án.
Đồng thời, bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan ốt tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.