Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay (24/10), dưới sự chủ trì của đại biểu Thái Thanh Quý, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tổ số 3 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi) đã tiến hành thảo luận tại tổ. Dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Tại đây đã có 9 lượt đại biểu nêu ý kiến. Các đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Góp ý vào dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn đối với nội dung quy định tại Điều 1 của dự án Luật về phạm vi điều chỉnh. Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật là quá rộng, trong khi các tài liệu trình kèm theo dự án luật chưa cung cấp đầy đủ thông tin để các ĐBQH có đủ cơ sở đánh giá việc nghiên cứu thực tiễn, đánh giá tác động các đối tượng chịu ảnh hưởng (doanh nghiệp, người dân ); kinh nghiệm học tập nước ngoài ra sao để quy định cho phù hợp với nước ta.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ hơn và thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật này theo hướng chỉ điều chỉnh đối với dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước, được thu thập trong công tác quản lý nhà nước, được quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc được tổ chức, cá nhân là chủ thể dữ liệu đồng ý cho khai thác, sử dụng. Luật này không điều chỉnh đối với dữ liệu thuộc quyền quản lý của tổ chức, cá nhân.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ.

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang góp ý vào 3 nội dung: Về trách nhiệm của Bộ Y tế (Điều 6, Luật BHYT năm 2008); về quyền và trách nhiệm của tổ chức BHYT (quy định tại Điều 40, Điều 41); về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT (quy định tại Điều 31, Điều 43).

Góp ý về trách nhiệm của Bộ Y tế, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu: Tại điểm b, khoản 2 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 6, Luật BHYT 2008. Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm “4. Tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc tổ chức triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT; các giải pháp ưu tiên mở rộng phạm vi, mức hưởng BHYT và tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở; trình Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT”. Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ hằng năm và sửa lại như sau: “4. Hằng năm, tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc tổ chức triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT; các giải pháp ưu tiên mở rộng phạm vi, mức hưởng BHYT và tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở; trình Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT”.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT trình Chính phủ.

Tuy nhiên trong những năm qua, Bộ Y tế chưa xây dựng, ban hành kịp thời các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT như: Chưa ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời đầy đủ, chi tiết các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị/Quy trình chuyên môn kỹ thuật thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc đã ban hành nhưng còn chung chung, theo hướng mở rộng, kể cả phác đồ, hướng dẫn điều trị cũng chỉ định hướng mà không quy định cụ thể dùng loại thuốc gì, dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện thuốc hoặc sử dụng kỹ thuật cao trong điều trị gây lãng phí không cần thiết; chưa ban hành quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng (các xét nghiệm, chụp Xquang...) trong khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng các cơ sở không công nhận kết quả cận lâm sàng của nhau gây lãng phí chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Góp ý về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong Điều 43 như sau: “Cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng”. Theo phân tích của đại biểu, tại điểm b, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (về quyền và trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT) đã quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh phải “Bảo đảm việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Tuy nhiên, thời gian qua các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vì vậy cần bổ sung nội dung trên vào trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh tại dự án Luật.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-bao-hiem-y-te-va-du-an-luat-du-lieu-185422.bbg