QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN TĂNG THU NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2023
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.
Thảo luận nội dung này, các đại biểu cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng và nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn tăng thu năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp tục quan tâm, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Tòa án nhân dân trong nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2023.
Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, các Nghị quyết số 96 Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết số 755 Quốc hội khóa XV đã quyết nghị: Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí để Tòa án nhân dân, các cơ quan hữu quan tổ chức hiệu quả phiên tòa trực tuyến và các đề án đã được phê duyệt.
Mặc dù trong thời gian qua đã được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tuy nhiên trong các báo cáo xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 của Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới các trụ sở, nhưng do nguồn vốn đầu tư công của Quốc hội bố trí cho hệ thống tòa án nhân dân bị cắt giảm nên các dự án chưa được đầu tư, so với dự toán đề xuất thì vốn được giao chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu.
Bên cạnh đó, hằng năm căn cứ vào nội dung các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo tổng hợp nhu cầu trang bị tài sản đảm bảo, bảo trì, sửa chữa trụ sở làm việc của Tòa án nhân dân tối cao và nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính thẩm tra phê duyệt. Tuy nhiên số kinh phí thực tế Bộ tài chính giao hằng năm luôn ít hơn theo kế hoạch của các đề án. Do vậy, triển khai thực hiện các đề án bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra, tài sản không được trang bị một cách đồng bộ, trụ sở không được bảo trì, sửa chữa kịp thời, gây rất nhiều khó khăn cho tòa án các cấp phục vụ công tác xét xử với bối cảnh số lượng thụ lý ngày càng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp.
Đại biểu cho biết, với yêu cầu đặt ra các cấp tòa án đều phải bố trí tối thiểu một phòng xét xử cho từng loại án, đó là phòng xét xử án hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, án hôn nhân gia đình và phòng xử án thân thiện cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát hiện nay trong hệ thống tòa án nhân dân còn rất nhiều trụ sở được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, nhiều trụ sở đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp, thiếu phòng xét xử…
Theo số liệu của Tòa án Tối cao, hiện có gần 600 trụ sở của Tòa án nhân dân cấp huyện và 18 trụ sở của Tòa án nhân dân cấp tỉnh xuống cấp nghiêm trọng, cần phải cấp bách nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Tòa án nhân dân trong nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2023, nhằm thực hiện hiệu quả nguồn tăng thu ngân sách năm 2023 và đồng thời tạo điều kiện cho Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu bổ sung và ưu tiên sớm bố trí kinh phí phục vụ công tác rà, phá bom mìn, để trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề cấp bách về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Bởi theo kiến nghị của các địa phương và người dân, hiện nay diện tích chưa được rà, phá bom mìn còn rất lớn, đặc biệt là ở những xã khu vực biên giới.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Trong đó, về ý kiến của đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ bố trí vốn đầu tư được phân cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo chi theo yêu cầu. Tuy nhiên, nguồn vượt thu năm 2023 hạn chế, nên chi cho xây dựng trụ sở tòa án còn thấp; trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này.
Đối với vấn đề đại biểu nêu liên quan đến công tác rà, phá bom mìn, Bộ trưởng cho biết, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 748/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025. Hiện nay đã bố trí kinh phí từ các dự án viện trợ.
Do nguồn thu ngân sách của năm 2023 vượt không nhiều, vì vậy Bộ Tài chính đã tham mưu, bố trí dành một phần của phần vượt thu ngân sách năm 2023 để bố trí cho công tác rà phá bom mìn của 04 tỉnh biên giới phía Bắc; số còn lại sẽ tiếp tục bố trí vào các năm tới.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu cơ bản đồng tình với việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành các công việc theo quy định, hoàn tất các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, giao vốn để giải ngân vốn, tránh dàn trải, lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị khắc phục tình trạng phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Đại biểu cũng đã góp ý kiến về hoàn thiện nghị quyết để sử dụng nguồn tăng thu và các vấn đề khác liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, để quản lý, sử dụng có hiệu quả.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để tiếp thu, giải trình đầy đủ và đưa vào các nội dung cần thiết, phù hợp của nghị quyết của kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87667