Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phiên thảo luận đã có 57 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu phát biểu tranh luận. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến có tính toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung: Trao cơ hội và động lực để doanh nghiệp yên tâm, vững tin phát triển; cần có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương; sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân; quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều để có giải pháp hỗ trợ; cần có chính sách cụ thể để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng; tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp; chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp; quan tâm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội; sớm khắc phục tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; tiếp tục rà soát các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…; chỉ đạo quyết liệt hơn để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triển khai đồng bộ, hiệu quả; có giải pháp hiệu quả làm chậm quá trình già hóa dân số; bố trí kinh phí hợp lý để triển khai thuận lợi các nhiệm vụ bình đẳng giới...

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

* Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Đại biểu bày tỏ, đồng tình với phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng làm cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân. Theo đại biểu, cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng; biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu đồng/năm đã phải chịu thuế suất 5%.)

Đại biểu cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động…

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/189735/quoc-hoi-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc.htm