Quốc hội thông qua các chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật
Sáng 17/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
Nghị quyết gồm 12 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật hiện nay. Một điểm nhấn quan trọng là nghị quyết không chỉ đề cập đến quy trình lập pháp, mà còn nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật từ cơ sở đến Trung ương, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Theo đó, ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt khi bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Đối với chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đối tượng hưởng chính sách trên gồm: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. Bên cạnh đó có lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại phụ lục kèm theo nghị quyết. Ngoài còn có đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định.
Đối tượng không thuộc các trường hợp trên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định.
Chế độ trên không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên (trừ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách).
Khoản hỗ trợ hằng tháng được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.v
Nghị quyết cũng cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đây là một cơ chế tài chính mới, linh hoạt. Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật.
Để tránh bị lợi dụng tài trợ cho những dự thảo luật cụ thể và phát sinh xung đột lợi ích, nghị quyết quy định rõ: Quỹ này không được dùng để tài trợ trực tiếp cho bất kỳ dự thảo luật cụ thể nào. Việc này nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập của các đề xuất chính sách, tạo niềm tin trong xã hội. Quỹ được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước quy định tại nghị quyết này; được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Dự thảo cũng quy định người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị. Quốc hội cũng cho phép thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế...
Ngoài ra còn có các chính sách thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh rình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng cho biết về thể chế hóa Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý Điều 3 theo hướng: bổ sung khoản 1 nguyên tắc “bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; sửa đổi, bổ sung khoản 3 về “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này.”
Cơ quan soạn thảo cũng bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài tại khoản 4 “Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, một số ý kiến đề nghị cơ chế vận hành Quỹ cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật khi cho phép tiếp nhận nguồn kinh phí xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân trong nước. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh thông tin, việc thành lập Quỹ chủ yếu để hỗ trợ nghiên cứu chính sách từ sớm, nhằm chủ động đánh giá, lựa chọn chính sách làm cơ sở xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị; không tập trung hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (trừ trường hợp một số ít dự án, nhiệm vụ, hoạt động cần bổ sung kinh phí).
Do vậy, dù Quỹ được tiếp nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhưng không phải để tài trợ trực tiếp cho các dự án luật nên khó có điều kiện tác động cụ thể tới các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp thu, quy định chặt chẽ các điều kiện trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết (như dự kiến mời đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia Hội đồng quản lý Quỹ), bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.