Quốc hội thông qua hai luật liên quan đến giao thông đường bộ

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sáng 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Có 447/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành Luật Đường bộ, chiếm tỷ lệ 91,98%. Về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có 357/448 đại biểu tán thành, 69 vị không tán thành và 22 người không biểu quyết. Tỷ lệ tán thành chiếm 79,84%.

Liên quan đến việc lái xe khi có rượu bia, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cấm người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đề cập nội dung trên trong báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong dự thảo Luật này, nếu không tiếp tục quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, làm tăng các vụ tai nạn giao thông gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân...

Tại Kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định cấm tuyệt đối và một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Tại Kỳ họp thứ 7, ngày 21/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới.

Kết quả, trong 388 đại biểu cho ý kiến có 293 đại biểu (chiếm 75,52% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 60,16% tổng số đại biểu Quốc hội) nhất trí với quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Có 95 đại biểu (chiếm 24,48% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 19,51% tổng số đại biểu Quốc hội) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Có 8 đại biểu thêm ý kiến khác.

Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu nhất trí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và thể hiện tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Liên quan đến đề xuất thu phí giao thông nội đô trong Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-thong-qua-hai-luat-lien-quan-den-giao-thong-duong-bo-post36056.html