Quốc hội thông qua loạt quyết sách quan trọng
Sáng nay 19/2, Quốc hội tiến hành Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chính thức thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, năng lượng, khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy nhà nước.
Trước Phiên bế mạc, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại Phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết, gồm: Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua loạt chính sách. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Quốc hội biểu quyết thông qua với kết quả 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,86%). Nghị quyết điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ đô la Mỹ (USD). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%...
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,03% tổng số đại biểu. Nghị quyết gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Nghị quyết, dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại. Hình thức đầu tư dự án là đầu tư công; áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa. Đồng thời, dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt... Trong đó, dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM, 459/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 100%). Nghị quyết gồm 11 Điều và 1 Phụ lục, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố. Nghị quyết quy định, Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án. Nghị quyết quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; quy định về phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, cũng có các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, kết quả biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, có 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,98%). Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.