Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Sáng 27-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với 443/456 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, như quy định rõ ràng hơn hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung làm rõ quy định về hành vi bị nghiêm cấm; sửa đổi quy định về Công đoàn đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm...
Dự thảo luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể là quy định phân cấp cho công đoàn cấp tỉnh, ngành và tương đương có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin gia nhập Công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; xem xét, công nhận việc gia nhập và có trách nhiệm thông báo kết quả công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để thu hồi đăng ký; phân cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn…
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng khi kiểm tra, thanh tra nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền “có trách nhiệm mời đại diện Công đoàn tham gia” thay vì quy định “phải có đại diện Công đoàn”; bỏ quy định “phối hợp giám sát” của Công đoàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sửa quy định “Ban hành văn bản về kết quả giám sát” thành “Thông báo kết quả giám sát”; lược bỏ nội dung “và kết luận, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan đến kiến nghị sau giám sát”…
Tại phiên họp, 443/456 đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), đạt tỷ lệ 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội; 5 đại biểu Quốc hội biểu quyết không tán thành; 8 đại biểu Quốc hội không biểu quyết.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quoc-hoi-thong-qua-luat-cong-doan-sua-doi-804676