Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 27/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Với 464/464 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành bằng hình thức biểu quyết điện tử (chiếm 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; xác định rõ đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định; nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của luật này; đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định rõ: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Cũng liên quan đến quỹ này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

 Các đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút biểu quyết.

Các đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút biểu quyết.

Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (điều 21), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định lợi nhuận sau thuế được sử dụng để trích các quỹ theo quy định của pháp luật, trong đó có Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí nghiên cứu không thành công.

“Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính sách về vốn điều lệ cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này. Do đó, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới thông tin.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết tại khoản 4, có ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về việc trích lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; làm rõ việc quy định trích tối đa toàn bộ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; việc xử lý trong trường hợp nếu sau khi trích Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác mà số tiền không còn hoặc còn rất ít…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, từ thực tiễn thực hiện việc phân phối lợi nhuận sau thuế của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.

“Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.

 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Ngoài ra, liên quan đến quy định về đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 27), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ: Quy định về đất quốc phòng, an ninh đã được xác định rõ tại Luật Đất đai; dự thảo luật xác định đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là đất quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai nhằm dẫn chiếu và áp dụng các tiêu chí của Luật Đất đai, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật đã được chỉnh lý cụ thể như sau: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt”.

Về động viên công nghiệp, Luật giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trích và sử dụng tiền khấu hao bồi thường tổn thất, quản lý, sử dụng, thu hồi đối với trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ giao cho cơ sở công nghiệp động viên tại khoản 3, Điều 52; quy định cụ thể việc quản lý sản phẩm động viên công nghiệp, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng; bổ sung 1 khoản quy định về phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp; quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật...

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-post301244.html