Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Ngày 24/11, ngày làm việc thứ 20 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết, chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Điều hành nội dung nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án luật Đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tháng 10/2020 cùng với dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để hoàn chỉnh dự thảo luật, xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Sau hơn 2 năm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 28/2/2023, Chính phủ có Tờ trình xây dựng dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023.

Trong phiên họp sáng ngày 24/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trong phiên họp sáng ngày 24/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, kết luận của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo 2 Bộ tích cực chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật. So với dự thảo Luật Đường bộ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 24, dự thảo luật trình Quốc hội lần này gồm 6 Chương, 92 Điều, giảm 3 Điều, đã chỉnh lý ở tất cả các Chương và nhiều Điều, khoản.

Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này với 80 ý kiến tham gia. Báo cáo tổng hợp ý kiến đã được gửi tới các ĐBQH. Bộ Giao thông vận tải cũng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình dự thảo luật gửi ĐBQH.

Tại phiên thảo luận sáng ngày 24/11, có 24 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ, bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; quy hoạch hệ thống đường bộ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; hoạt động vận tải đường bộ; chính sách phát triển đối với đường bộ; hệ thống giao thông thông minh; cơ sở dữ liệu đường bộ; phân loại đường bộ theo cấp quản lý, chức năng phục vụ; đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương; đặt tên, số hiệu đường bộ; xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc; trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia; thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; thi công công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ;… Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể nhằm tránh chồng chéo giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã giới thiệu kinh nghiệm một số nước, các điểm lưu ý cần thiết khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Cụ thể như trạm dừng chân, điểm ngắm cảnh, bảng chỉ đường… Đại biểu mong muốn dự thảo Luật Đường bộ khi xây dựng sẽ thể hiện được tính hiện đại, hiệu quả; còn dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ thể hiện được tính khoa học, văn minh.

Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã giới thiệu kinh nghiệm một số nước, các điểm lưu ý cần thiết khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Cụ thể như trạm dừng chân, điểm ngắm cảnh, bảng chỉ đường… Đại biểu mong muốn dự thảo Luật Đường bộ khi xây dựng sẽ thể hiện được tính hiện đại, hiệu quả; còn dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ thể hiện được tính khoa học, văn minh.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cảm động khi nhiều đại biểu dành tâm sức nghiên cứu chuẩn bị tài liệu và góp ý với Ban soạn thảo.

Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại Tổ, Ban soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu. Đồng thời, qua thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng để chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội cho rằng đây là luật tác động và có liên quan nhiều đến trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, vừa đại chúng nhưng vừa chuyên ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đặc điểm giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, toàn dân là chủ thể tham gia, tâm lý tập quán nhận thức cũng còn khác nhau; đồng ý có sự giao thoa, song tránh trùng lắp, cần phân tích rõ hơn các yếu tố tĩnh và động. Giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các cấu trúc có tính thượng tầng trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ để không chồng chéo, mâu thuẫn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tranh luận gửi các đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đại biểu chuyên trách để thảo luận dự án luật này và sẽ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.

Trong phiên họp chiều 24/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trong phiên họp chiều 24/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, so với dự thảo Luật mà Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 24, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này gồm 9 Chương với 81 Điều, tăng 1 chương và 20 Điều, nội dung đã chỉnh lý, bổ sung ở tất cả các chương và nhiều điều khoản.

Trước đó, vào sáng 10/11, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ với 105 lượt ý kiến tham gia, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, tập trung vào các vấn đề được gợi ý. Báo cáo tổng hợp ý kiến đã được gửi đến các vị ĐBQH. Ngày 20/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 659 về hướng tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ.

Phát biểu thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho biết, tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu như dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi.

Phát biểu thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho biết, tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu như dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi.

Tại phiên thảo luận chiều 24/11, có 22 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phương tiện được ưu tiên tham gia giao thông; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; sử dụng đèn khi tham gia giao thông; niên hạn sử dụng của xe cơ giới; chấp hành báo hiệu đường bộ; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách; trách nhiệm của người lái xe vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh; thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ; giải quyết tình huống đột xuất gây mất an toàn giao thông trên đường bộ; nhường đường tại nơi đường giao nhau; giấy phép lái xe; vấn đề hiện đại hóa hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông; thời điểm có hiệu lực của Luật...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, đồng thời cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ, tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, ĐBQH đánh giá cao sự chủ động kịp thời của Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của cơ quan thẩm tra và có báo cáo dự kiến tiếp thu cụ thể. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tranh luận gửi các vị ĐBQH theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu tiếp thu giải trình./.

T. Bình (tổng hợp)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-vien-thong-sua-doi-va-luat-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-qu-a30203.html