Quốc hội thúc đẩy hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra
Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về quy chế quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra...
Liên quan đến quy định kết luận thanh tra, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã bổ sung một quy định hết sức quan trọng, đó là: “Người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy Kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quy định này có mặt tích cực là giúp tạo ra cơ hội cho người ký kết luận thanh tra có thể sửa chữa các sai sót liên quan đến nội dung kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, để đạt được ý nghĩa tích cực đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những quy định hết sức cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra. Bởi vì, Kết luận thanh tra không phải là sản phẩm của một cá nhân riêng lẻ mà là kết quả công tác của cả Đoàn thanh tra trong một khoảng thời gian dài, đã được xem xét, thảo luận, thẩm định..., do đó không thể tùy tiện bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra mà không có căn cứ, điều kiện và trình tự, thủ tục cụ thể, đúng pháp luật.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt vấn đề: "... Nếu ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra đến 1-2 lần mà vẫn chưa đảm bảo thì phải xử lý nội dung này như thế nào?". Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quy định này, có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, ban hành kết luận bổ sung một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét về việc thẩm định Kết luận thanh tra vì Đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân; người được giao thẩm định phải đủ cơ sở pháp lý, căn cứ thẩm định, phải tiến hành kiểm tra, xác minh....
"Về bản chất, việc thẩm định này cũng giống như một cuộc thanh tra, như vậy cuộc thanh tra đó tiến hành hai lần, không đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán, kiểm tra, giám sát khác. Bên cạnh đó, việc thẩm định sẽ phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành Kết luận thanh tra", đại biểu Thúy phân tích và đề nghị xem xét lại quy định này.
Về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về quy chế quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra; giám sát phải mang tính độc lập đối với hoạt động của Đoàn thanh tra; bổ sung các quy định như: về việc tiếp xúc với đối tượng thanh tra, việc ăn ở, đi lại, chế độ làm việc của Đoàn thanh tra... nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình thanh tra.
Giải trình tại hội trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm soát hoạt động của các thành viên Đoàn thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát, bổ sung, chỉnh sửa về các quy định này.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, hiện Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra và hoạt động của Đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là: “Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện từng nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên như hiện nay để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra”, ở đâu có quản lý nhà nước, ở đâu có phát sinh khiếu nại, tố cáo cần có cơ quan thanh tra để tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên; đồng thời nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện.
Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, về nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức hoạt động của Thanh tra huyện, tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra cấp huyện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về hệ thống cơ quan thanh tra trong ngành, lĩnh vực, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, nhất là tại một số Tổng cục lớn về thuế, hải quan, đo lường chất lượng, đất đai, thủy lợi… Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác đối với Thanh tra Sở, đồng thời, cơ bản tán thành giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Thanh tra Sở trên cơ sở căn cứ vào pháp luật chuyên ngành quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn khối lượng công việc và tổng biên chế được Trung ương giao cho địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đối với nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng, đảm bảo tính thống nhất, khả thi, tinh gọn, tránh chồng chéo. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh tinh thần: "không phải Tổng cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra, cơ bản chỉ được thành lập cơ quan Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở thuộc Sở mà pháp luật chuyên ngành có quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn cần thiết và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".