Quốc hội tiếp tục bàn xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc Hội tiếp tục bàn về việc tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngày 17/2/2025, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm của Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Theo dự kiến chương trình, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín.

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Thảo luận ở hội trường về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp đó, đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Chính phủ trình Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trước đó đã được thảo luận tại tổ vào ngày 14/2 với 44 lượt ý kiến phát biểu, nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng, cũng có ý kiến để nghị cân nhắc về mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2030. Bởi, qua theo dõi, tìm hiểu và theo kinh nghiệm của các quốc gia, một dự án chuẩn bị rất chu đáo, rất cẩn thận nhưng khi đưa vào vận hành cũng phải cần nhanh nhất là 8 năm, nếu không phải cần đến 10,12 năm để hoàn thành. Đây là dự án lần đầu tiên thực hiện nên cần xem xét lại lộ trình phù hợp, tính toán cho kỹ lưỡng sát đúng với thực tế, không nên ép tiến độ sẽ ảnh hưởng chất lượng cũng như tính an toàn, bển vững.

Gửi báo cáo giải trình ý kiến của các vị đại biểu, Bộ Công Thương cho hay, các cơ chế chính sách ban hành cho riêng Dự án có tính cấp thiết và cần thiết phải triển khai ngay để áp dụng cho dự án, từ đó Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư các dự án mới có cơ sờ triển khai nhằm đáp ứng mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành năm 2030, muộn nhất ngày 31/12/2031.

“Chính phủ cam kết có các giải pháp, chủ động đàm phán với các đối tác để đảm bảo xây dựng cảc dự án điện hạt nhân ở mức độ an toàn nhất, có lợi nhất cho phía Việt Nam để giảm thiểu tối đa các rủi ro đối với dự án”, theo báo cáo.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/quoc-hoi-tiep-tuc-ban-xay-dung-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-2081332.html