Quốc hội Việt Nam dân chủ, công khai ngay từ phiên họp đầu tiên!
Ông Dương Trung Quốc khẳng định, Quốc hội Việt Nam dân chủ, công khai ngay từ 2 phiên họp đầu tiên và Quốc hội hiện nay đang tiếp tục thực hiện cao độ tinh thần ấy.
Kiếp sống một con người chỉ là hạn kỳ hết sức ngắn ngủi trong dòng chảy vô hạn của thời gian, nhưng thật may mắn cho những người được chứng kiến các sự kiện lịch sử có tính dấu mốc.
Ông Dương Trung Quốc có may mắn tiếp cận cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước thời hiện đại từ góc độ là người hoạt động Quốc hội trong suốt gần 20 năm với 4 khóa liên tiếp (XI, XII, XIII, XIV), cũng như dưới góc độ một nhà nghiên cứu lịch sử trong suốt thời kỳ lập quốc và phát triển của Quốc hội, của đất nước.
Nhà sử học nhìn nhận, mỗi thời kỳ sẽ có những đặc trưng riêng, nhưng thời kỳ khai sơn phá thạch, định hình hệ thống, đặt những cơ sở pháp lý đầu tiên bao giờ cũng là giai đoạn không thể nào không ghi dấu trong lịch sử.
Chúng tôi cùng nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên khi nhân dân cả nước trong năm 2021 vừa làm nên một dấu son rực rỡ là tổ chức thành công rất tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có quy mô lớn nhất, nhưng lại diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4.
…Con mắt tinh anh của nhà sử học lấp lánh sáng khi ngược dòng lịch sử, ông rành rọt nêu lên cột mốc ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh.
Hôm ấy, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.
Trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu in trên báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946. Với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ Người kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu:
“Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử 6/1/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Ông Dương Trung Quốc cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một nhà nước non trẻ có một tổ chức đại diện của người dân do chính người dân tự tay bầu và thực hiện những chức năng của một Quốc hội hiện đại, dân chủ.
Theo đó, ba chức năng của Quốc hội vẫn được giữ nguyên từ thời điểm đó đến nay là: lập pháp (xây dựng hệ thống pháp luật), giám sát (nhất là giám sát các hoạt động của cơ quan chấp hành, cơ quan hành pháp Chính phủ) và quyết định các vấn đề lớn của quốc gia.
Ông Quốc cho rằng, để tiến hành Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời gặp muôn vàn khó khăn: nạn đói vẫn đang hoành hành, 90% dân số mù chữ bởi chính sách cai trị của thực dân. Bên cạnh đó, một số đảng phái tạm gọi là đối lập, chưa chia sẻ với sự lãnh đạo của Việt Minh, họ tẩy chay cuộc bầu cử…
Gần 2 tháng sau ngày Tổng tuyển cử, đúng 8h ngày 2/3/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã chính thức khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỳ họp diễn ra trong điều kiện đất nước vừa giành được độc lập, kẻ thù đang lăm le quay lại xâm lược nước ta, nên chỉ có gần 300 đại biểu tham dự.
Toàn thể đại biểu Quốc hội nghe lời chào mừng Quốc hội, cũng là lời tuyên thệ đồng hành của người dân với Quốc hội, với Chính phủ qua phát biểu của đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội:
“Quốc hội khai mạc ngày hôm nay không những đánh dấu một bước tiến quan trọng của nước nhà, mà còn tượng trưng cái ý chí đoàn kết chặt chẽ của toàn dân, cái ý chí dân tộc mật thiết liên minh của nước Việt Nam và anh chị em thiểu số, cái ý chí rất thích hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Sự đoàn kết đó đã đem lại cho nhân dân chúng tôi một ánh sáng mới, làm cho sự tin tưởng ở nước nhà càng thêm mãnh liệt.
Nhân dân chúng tôi quyết tâm kết thành một khối để làm hậu thuẫn đắc lực cho Chính phủ trong việc kháng chiến, kiến quốc để đưa nước nhà đến vinh quang, hạnh phúc, dưới quyền chỉ đạo của cụ Hồ mà chúng tôi rất tin tưởng”.
Kỳ họp diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 5 giờ. Quốc hội nghe báo cáo, thành lập và công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ lâm thời, có trách nhiệm đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Một nét đẹp của nền dân chủ được thiết lập ngay từ buổi đầu là tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp, hoặc được nắm bắt thông tin qua việc tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi, kể cả việc chất vấn.
Báo Cứu quốc số 393 ra ngày 1/11/1946 trong dòng đầu tiên của bài tường thuật đã viết: “Buổi họp chiều nay, công chúng đến dự thính đông gấp bội các phiên họp trước, hai từng gác Nhà hát Lớn kín những người ngồi, đứng lô nhô. Người ta đến đông để chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng do cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại, các đại biểu của Nhân dân đã đứng lên chất vấn những công việc mà Nhân dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ gánh vác”.
Nói về phiên chất vấn này, ông Dương Trung Quốc cho biết, nó nằm trong chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I (khai mạc ngày 23/10/1946).
Ông Quốc cho hay, ngay trong phiên chất vấn đầu tiên, 8 vị Bộ trưởng trả lời chất vấn của các đại biểu và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải trả lời câu hỏi về tất cả các vấn đề của đời sống, đối ngoại như:
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước 14/9, tại sao lá cờ được chọn làm quốc kỳ lại là cờ đỏ sao vàng, rồi những vấn đề liên quan đến xây dựng lực lượng vũ trang, thái độ đối với ngoại kiều trong việc tuân thủ quy định của Việt Nam, đấu tranh về tài chính trong việc Pháp và Trung Quốc chuyển nhượng lợi ích ở cảng Hải Phòng…
Cuộc chất vấn diễn ra được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát rằng: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn 1 năm, hãy còn thanh niên; Quốc hội mới thành lập được 8 tháng, còn thanh niên hơn. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắt (cách nói của Bác - PV), khó trả lời, đề cập đến những vấn đề quan hệ với vận mệnh quốc gia. Với sự trưởng thành về chính trị, quyết tâm vì việc nước ấy, ai bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.
Về công tác xây dựng luật pháp, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội đã thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên và Bộ luật Lao động.
“Cho dù bản Hiến pháp ấy chưa được ban hành, chưa được thực thi đầy đủ với lý do rất khách quan là chiến tranh bùng nổ. Nhưng quyền công dân ngay từ sớm chúng ta đã thực hiện bằng những sắc lệnh như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, kể cả luật biểu tình… Ngay từ thời điểm đó, chúng ta đã hội nhập với những giá trị phổ quát của nền chính trị hiện đại mà trong đó cốt lõi của tinh thần dân chủ là cơ cấu tổ chức Quốc hội”, ông Quốc nói.
Đánh giá tổng quát về Quốc hội khóa I, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đây là một nhiệm kỳ đặc biệt. Trước hết, đây là kỳ Quốc hội dài nhất - kéo dài 14 năm hoạt động (1946 - 1960) do tác động của chiến tranh.
Với 12 kỳ họp, Quốc hội đã xem xét và thông qua Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, 11 đạo luật và 50 nghị quyết, phê chuẩn Hiệp định Genève. Trong số đó, Luật Cải cách ruộng đất được thông qua tại kỳ họp thứ ba (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách “người cày có ruộng” và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
“Tuy rằng khi thực hiện Luật Cải cách ruộng đất gặp nhiều sai lầm, để lại nhiều hậu quả nhưng tinh thần mà bộ luật cơ bản hướng tới lợi ích của đại đa số người dân Việt Nam. Nó là nguồn động lực chính cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập non trẻ là người nông dân. Thực sự nó là một bước đi tiến bộ rất lớn”, ông Quốc nhận xét.