Quốc Thảo, Hữu Nghĩa, Tuyết Thu chinh phục khán giả Hà Nội với vở 'Sâu đêm'

Ánh sáng công lý xua đi bóng tối ẩn trong tình thân là thông điệp của vở kịch mà Sân khấu Quốc Thảo mang đến khán giả thủ đô

Từ trái sang: NS Quốc Thảo, NSƯT Tuyết Thu và Hữu Nghĩa trong vở "Sâu đêm"

Từ trái sang: NS Quốc Thảo, NSƯT Tuyết Thu và Hữu Nghĩa trong vở "Sâu đêm"

Tối 5-7 tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội), vở kịch "Sâu đêm" – một tác phẩm ấn tượng của sân khấu Quốc Thảo, do Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quận Phú Nhuận và Công ty TH Entertainment phối hợp sản xuất – đã để lại dư âm sâu sắc tại Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ V – 2025.

Vở "Sâu đêm" có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ được đào tạo tại Sân khấu Quốc Thảo

Vở "Sâu đêm" có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ được đào tạo tại Sân khấu Quốc Thảo

Khi Quốc Thảo cho lý trí và tình thân va chạm

Với kịch bản và đạo diễn bởi NS Quốc Thảo, "Sâu đêm" mang đến khán giả thủ đô câu chuyện phá đường dây buôn người, tội phạm không gian mạng. Đó là bản bi ca về người chiến sĩ công an khi lý trí và tình thân va chạm đến tận cùng, khi bóng tối không còn ở bên ngoài mà ngự trị trong chính mái ấm mà họ tưởng mình đang bảo vệ.

Vở kịch bắt đầu như một vụ án thông thường: Ban chuyên án "Sâu đêm" được thành lập để đánh vào ngay hang ổ của bọn tội phạm chuyên bắt cóc, dụ dỗ người nhẹ dạ làm việc lương cao để rồi biến họ thành "tội phạm số". Cuộc truy bắt Cáo – biệt danh của một mắt xích quan trọng trong đường dây tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia đã diễn ra. Nhưng sự thật rẽ hướng bất ngờ: "Cáo" chính là Nam, con trai ruột của Thượng tá Thái, trưởng ban chuyên án.

Diễn viên Bá Phước và Lâm Thanh Tiệp trong vở "Sâu đêm"

Diễn viên Bá Phước và Lâm Thanh Tiệp trong vở "Sâu đêm"

Bi kịch càng dồn dập khi ông Thái cùng đồng đội đang lặn lội qua biên giới, xâm nhập vào hang ổ tội phạm để giải cứu những nạn nhân bị bắt cóc, bị ép buộc nhúng tay vào những vụ hại người qua mạng… mà không hề hay biết kẻ tiếp tay chính là con trai mình, và "Cáo" đang ẩn náu ngay trong chính ngôi nhà tưởng chừng rất hạnh phúc của ông Thái (Quốc Thảo) và Bình (Tuyết Thu). Tội phạm đã không còn là kẻ xa lạ, mà là máu mủ, ruột thịt của chính họ.

Chi tiết chiếc đồng hồ sinh nhật – món quà Thái tặng con trai vào năm 18 tuổi – trở thành đầu mối lật tung toàn bộ sự thật. Khi nó bị phát hiện tại hiện trường một vụ phạm tội. Ông Thái đối mặt với con trai mình và bà Bình đã muốn ông thả con để từ đó truy vết những số liệu, thông tin về đường dây tội phạm. Bà và ông là hai người cả đời hy sinh để bảo vệ nhân dân, giờ đây phải đối diện sự thật: con trai mình là tội phạm. Đây là lớp diễn hay nhất của NSƯT Tuyết Thu, nghệ sĩ Quốc Thảo và diễn viên Trường Phúc (vai Cáo - Nam).

NS Quốc Thảo và diễn viên Trường Phúc trong vở "Sâu đêm"

NS Quốc Thảo và diễn viên Trường Phúc trong vở "Sâu đêm"

Những nhân vật chạm đến tận cùng cảm xúc

NS Quốc Thảo trong vai Thượng tá Thái đã mang đến một hình tượng người chiến sĩ rất đời – nhân vật của ông không hô hào, không lý tưởng hóa. Đó là một người cha, một cán bộ, một con người đứng trước sự giằng xé của lương tri. Quốc Thảo chọn lối diễn tiết chế, nén sâu – và chính vì thế, mỗi ánh mắt ông nhìn hồ sơ, mỗi lần ông chạm tay vào chiếc đồng hồ, mỗi lần ông lặng lẽ đứng giữa căn phòng trống… đều khiến người xem nghẹn lại.
NS Hữu Nghĩa, trong vai đại tá Kiệt – đồng đội và người bạn thân thiết – là điểm tựa vững chắc cho không gian tâm lý. Không còn là người gây cười như thường thấy, NS Hữu Nghĩa thể hiện một nhân vật Kiệt đầy trắc ẩn: vừa là chiến sĩ vững vàng, vừa là người bạn biết im lặng đúng lúc.

Có phân đoạn, Kiệt chỉ đứng sau lưng ông Thái, khẽ đặt tay lên vai – nhưng cái chạm ấy chứa cả trăm lời không thể nói. KIệt buộc Thái phải rời bỏ chuyên án để không mắc sai lầm.

Các diễn viên trẻ được tạo cơ hội tham gia vở "Sâu đêm"lần đầu tiên diễn tại thủ đô

Các diễn viên trẻ được tạo cơ hội tham gia vở "Sâu đêm"lần đầu tiên diễn tại thủ đô

NSƯT Tuyết Thu (vai Bình - vợ ông Thái) – với sở trường về diễn nội tâm đã vẽ nên hình ảnh người mẹ chịu đựng nỗi đau gấp đôi: chồng là người thi hành pháp luật, con lại là kẻ phạm tội. Chị không có nhiều thoại, nhưng ánh mắt chị khi nhìn chồng trở về, khi nghe tin con bị truy nã, và vang xin chồng hãy tha thứ cho con, đều thấm đẫm một nỗi mất mát mà Tuyết Thu đã thể hiện thật xuất sắc.Diễn viên Trường Phúc – vai Nam/Cáo – là điểm sáng của lớp diễn viên trẻ. Nam là nhân vật nhiều tầng: ngạo mạn, sắc lạnh, thông minh… nhưng cũng là đứa con từng sống trong khoảng trống tình cảm với người cha quá tận tụy với sự nghiệp. Phân đoạn Nam đối mặt với cha, và nói: "Ba đã chọn công lý, con chọn cách sống khác" – được Trường Phúc thể hiện bằng ánh mắt lạc lõng, giọng nói như nghẹn lại – một cảnh diễn khiến cả khán giả nghẹn.

Đây là vai diễn bi đầu tiên của Trường Phúc khi anh có sở trường diễn hay và là gương mặt hài quen thuộc của sân khấu Quốc Thảo.

Diễn viên Trường Phúc và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm", trong đêm diễn này cũng đúng ngày sinh nhật của Trường Phúc, một kỷ niệm đẹp với anh khi được diễn vở kịch anh yêu thích trong dịp đặc biệt của mình trên sân khấu thủ đô

Diễn viên Trường Phúc và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm", trong đêm diễn này cũng đúng ngày sinh nhật của Trường Phúc, một kỷ niệm đẹp với anh khi được diễn vở kịch anh yêu thích trong dịp đặc biệt của mình trên sân khấu thủ đô

Sân khấu không tuyên truyền, mà lay động

"Sâu đêm" không chọn cách kể trực tiếp, mà dùng ngôn ngữ sân khấu hiện đại – ánh sáng chia lớp không gian, âm thanh dồn nén, tiết tấu gãy gọn, gợi nhiều hơn nói. Nhạc nền và ca khúc "Hát Về Anh – Người Chiến sĩ Công an Cơ sở" (sáng tác: Đại úy Nguyễn Văn Trá, thể hiện: ca sĩ Thanh Chương) vang lên đúng điểm rơi cảm xúc, như một lời tiễn biệt cho những giá trị bị tổn thương, và những con người buộc phải hy sinh thầm lặng.

NS Quốc Thảo, Trường Phúc và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm"

NS Quốc Thảo, Trường Phúc và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm"

Vở diễn kết thúc bằng ánh nhìn giữa cha và con – một ánh sáng chứa đựng lòng bao dung, vị tha biến bi kịch gia đình thành cơ hội để giúp con em mình hoàn lương. Vở diễn đặt ra một câu hỏi: Công lý có cứu được một mái ấm? Lương tri liệu có đủ sức thắp sáng phần người còn lại trong những kẻ đã bước sang ranh giới?

Và thông điệp mà nghệ sĩ Quốc Thảo gửi gắm vào kịch đó là dù đêm có sâu đến mấy, nếu con người còn giữ được một ngọn sáng nhỏ trong tim – của lòng tin, của đạo đức, của tình người – thì công lý vẫn không đơn độc.

NS Hữu Nghĩa và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm"

NS Hữu Nghĩa và NSƯT Tuyết Thu trong vở "Sâu đêm"

Câu nói hay nhất của nhân vật Kiệt do NS Hữu Nghĩa đóng: "Nếu hai người tin con mình sẽ thay đổi được, thì đừng bắt nó bằng còng số 8, mà hãy bắt nó bằng niềm tin" là một thông điệp sâu sắc về sự tha thứ và hy vọng.

Điều này cho thấy tình thương có thể là hình thức "trừng phạt" cao cả nhất – khi nó khơi dậy lương tri và đánh thức con người. Đây là một câu thoại "đắt giá" không chỉ về nội dung mà còn về chiều sâu đạo đức trong nghệ thuật sân khấu.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quoc-thao-huu-nghia-tuyet-thu-chinh-phuc-khan-gia-ha-noi-voi-vo-sau-dem-196250706073156689.htm