Quỹ đất 20%, chủ đầu tư không làm nhà ở xã hội mà xin nộp tiền
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20%. Dù có quy định chủ đầu tư phải có quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhưng nhiều nơi, chủ đầu tư không làm và xin nộp bằng tiền tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM...
Thực tế thời gian qua, dù có quy định chủ đầu tư phải có quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhưng nhiều nơi, chủ đầu tư không làm và xin nộp bằng tiền tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM...
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ thì còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.
“Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết số 530/NQ-UBTVQH15 ngày 12/7/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở để góp phần thúc đẩy phát triển NƠXH”, Bộ Xây dựng thông tin.
Trao đổi riêng với PV Tiền Phong, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho hay, trước đó, Nghị định 100/2015 về nhà ở xã hội đã quy định về quỹ đất 20% nhưng chưa được phát huy một cách thực sự tốt. Theo bà Hằng, vấn đề này liên quan đến thủ tục hoặc về những kỳ vọng lợi nhuận dẫn đến việc được triển khai ở nhiều dự án chưa phổ biến.
“Trên thực tế nếu được khai thác tốt quỹ đất này thị trường sẽ có lượng cung về nhà ở xã hội. Nhưng chúng ta cũng phải cần nhìn nhận thực tế là nhà ở xã hội sẽ có những nhu cầu đối với người mua, trong khi đó nhà ở thương mại không có nhiều ràng buộc, khó lòng cân đối ở trong cùng một dự án” – bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho biết thêm, nhà ở xã hội trước đây bị “kìm giá” bởi các gói hỗ trợ, bên cạnh đó nhà ở xã hội cũng có giá rẻ hơn nhà ở thương mại, về tiện ích, hạ tầng cũng có sự khác biệt. Điều đó tác động đến bài toán về mặt bằng chung của giá nhà ở khu vực dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội là hướng đến sản phẩm bình dân, nhưng đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm thành phố thường là “đất vàng”, “đất kim cương”, rất khan hiếm, giá cao, nên không dễ làm nhà ở xã hội. Theo ông, thay vì áp đặt, nên điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp với phát triển nhà ở xã hội sao cho thuận tiện nhất để mọi thành phần đều có thể chủ động.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư có thể xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nếu muốn, hoặc được đề xuất hoán đổi quỹ đất xây nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền cho Nhà nước theo giá thị trường. “Nếu cho doanh nghiệp lựa chọn nộp tiền thay vì triển khai, cũng cần tách bạch khoản tiền doanh nghiệp hoán đổi 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội vào một tài khoản riêng, hoặc được hạch toán riêng để dùng vào việc xây dựng nhà ở xã hội, chứ không nên hòa chung vào vốn ngân sách như hiện nay”, ông Đính chia sẻ.
Ông Đính cũng cho rằng, cần ưu tiên dành quỹ đất ở vùng ven đô thị quy hoạch thành đô thị lớn 5 - 10 ha có đủ hạ tầng cơ bản, đồng thời bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp. Tại những đô thị nhỏ hơn, có thể tùy theo nhu cầu, phát triển thành những khu nhà ở xã hội có quy mô phù hợp.
Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của quy định trên.
HoRea cũng cho rằng nếu cho phép doanh nghiệp "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%", Nhà nước sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác với mức giá vừa túi tiền cho người dân có thu nhập thấp.