Quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học như 'muối bỏ bể'

Nghiên cứu khoa học là một trong hai vai trò của trường đại học, tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc khiến các cơ sở khó phát huy được thế mạnh.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng có thể tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự hiệu quả, rất cần phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục đại học. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để các trường đại học khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước và khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với các trường khi tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Các dự án nghiên cứu gặp muôn vàn khó khăn

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đánh giá: "Trong một trường đại học, học viện thì 2 hoạt động chính và quan trọng đó là đào tạo và khoa học công nghệ. Trường đại học không chỉ là nơi truyền đạt tri thức mà còn là động lực quan trọng trong việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm góp phần giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu".

TS.Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

TS.Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Mặc dù vậy, nhưng ông Kiên cũng nhận thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường công nghệ, kỹ thuật tự chủ tài chính, không còn được đầu tư về cơ sở vật chất nghiên cứu, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, phòng lab mô phỏng. Những cơ sở giáo dục đại học gặp phải nhiều khó khăn và thách thức trong việc hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả.

"Việc thiếu ngân sách cho nghiên cứu là một trong những thách thức lớn nhất. Các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu đón đầu công nghệ, nghiên cứu các lĩnh vực mới, khó như Thiết kế chip bán dẫn hay AI cần một nguồn tài chính ổn định để trang bị cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, và hỗ trợ các nghiên cứu sinh, giảng viên.

Quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học như "muối bỏ bể" có thể thiếu hoặc phân bổ không đồng đều, khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án nghiên cứu quy mô lớn", ông Kiên bày tỏ.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nếu không có sự hậu thuẫn, hợp tác, hỗ trợ của các hãng, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp toàn cầu thì sẽ không đủ mạnh.

Các cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu đôi khi không đáp ứng được yêu cầu của các nghiên cứu khoa học hiện đại. Việc thiếu các công nghệ tiên tiến và môi trường nghiên cứu chuyên sâu có thể hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo và chất lượng nghiên cứu.

Còn nhiều khó khăn trong nghiên cứu khoa học tại các trường đại học.

Còn nhiều khó khăn trong nghiên cứu khoa học tại các trường đại học.

Đối với chất lượng đội ngũ, mặc dù có đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên đều có trình độ học hàm, học vị từ thạc sỹ, tiến sỹ trở lên nhưng đội ngũ giảng viên cũng bị chi phối bởi các hoạt động giáo dục đào tạo khác và không phải tất cả đều có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu cao.

Các cơ sở đào tạo cũng gặp khó khăn trong việc thu hút, giữ chân các nhà nghiên cứu tài năng, đặc biệt là những người trẻ, tu nghiệp tại nước ngoài do đãi ngộ chưa hợp lý hoặc môi trường làm việc không đủ hấp dẫn.

TS.Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận: "Một thách thức khác phải kể đến đó là chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Một số nghiên cứu chưa được ứng dụng thực tiễn, do thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức xã hội. Việc chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tế đòi hỏi sự hợp tác và các cơ chế hỗ trợ từ phía các ngành công nghiệp và các tổ chức nghiên cứu".

Để cải thiện hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học, theo ông Kiên cần phải có các giải pháp đồng bộ, từ việc tăng cường nguồn lực tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nghiên cứu cho đến việc xây dựng các cơ chế đánh giá và khuyến khích nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học.

Sản phẩm khoa học phải phục vụ cuộc sống

Cũng theo TS.Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang khó khăn cơ bản của các trường đại học khi nghiên cứu khoa học là việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học một cách chuẩn mực thì không phải trường nào cũng thực hiện được.

"Thêm nữa, không ít sản phẩm nghiên cứu từ các đại học có thể không đáp ứng yêu cầu của thị trường, không ít đề tài nghiên cứu chưa gắn với "hơi thở" của cuộc sống", ông Lê Văn Út bày tỏ.

Chuyên gia đề xuất các cơ sở giáo dục đại học nên thực hiện các nghiên cứu theo nhu cầu của thị trường. Bởi sẽ rất khó yêu cầu thị trường tiếp nhận những sản phẩm khoa học mà thị trường không có hoặc chưa có nhu cầu.

TS.Lê Văn Út cho biết: "Các trường cần tăng cường nguồn nhân lực cho chất lượng cao cả về năng lực nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu mới. Để có thể có thể sở hữu các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đại học cần hiện đại hóa trang bị thiết bị phục vụ cho nghiên cứu khoa học".

Cần có những sản phẩm khoa học phục vụ yêu cầu thực tiễn.

Cần có những sản phẩm khoa học phục vụ yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế, chính sách hiện đại để có thể tạo điều kiện cho giảng viên có thể an tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các công trình nghiên cứu đó.

Cụ thể, cần có chính sách đầu tư rủi ro trong phát triển nghiên cứu, các hành lang pháp lý và giải pháp hành chính hỗ trợ cho quá trình chuyển được thuận lợi hơn, làm sao để những người làm nghiên cứu không cảm thấy bị bơ vơ giữa "dòng đời" công nghệ.

Trước thách thức trên, việc tăng nguồn đầu tư, làm sao thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu khoa học là những giải pháp được nhiều đại biểu đề xuất trên nghị trường Quốc hội.

Tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Tp.Hà Nội nhận thấy: "Chúng ta 90% công bố quốc tế cũng xuất phát từ các trường đại học. Tuy nhiên, ngân sách nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay cấp cho các trường đại học chỉ chiếm khoảng 10%. Điều này không tương xứng".

Trước con số này, đại biểu đề nghị cần phải chỉ rõ ưu tiên về đầu tư ngân sách của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học đang định hướng nghiên cứu, những trường đại học có đào tạo tiến sĩ.

"Nếu như chúng ta không cấp kinh phí cho những hoạt động đào tạo tiến sĩ thì những người nghiên cứu sinh tự bỏ kinh phí ra sẽ phải nghiên cứu những gì người ta sẵn có và những kết quả nghiên cứu đấy không đóng góp vào giá trị của khoa học", ông Hoàng Văn Cường cho hay.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quy-dau-tu-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-nhu-muoi-bo-be-204250220152302761.htm