Quy định biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn

Chiều 21-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quản lý giá thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trong việc quy định biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn.

Đây là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc do thuốc kê đơn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, được sử dụng nhiều tại cơ sở y tế và người bệnh phải mua theo chỉ định của thầy thuốc. Bên cạnh đó, quy định Bộ Y tế kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến với cơ sở kinh doanh thuốc để hạn chế tăng giá thuốc qua mỗi tầng, nấc trung gian và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: TRỌNG HẢI

Liên quan đến kiến nghị của đại biểu về biện pháp kê khai giá, do nội dung này được thực hiện theo pháp luật về giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Giá năm 2023 để bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn danh sách các cơ sở phải kê khai giá, bảo đảm thực hiện thống nhất, minh bạch tại các địa phương.

Tiếp thu ý kiến đại biểu về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát điều 7 (sửa đổi) để bảo đảm thể hiện nội dung lớn mang tính nguyên tắc; bổ sung quy định “Có chính sách kiểm soát số lượng giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với các thuốc có cùng dược chất, dược liệu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ” tại khoản 14 và “Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động về dược” tại khoản 15.

 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: TRỌNG HẢI

Liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ dự kiến tiếp thu khoản 1, điều 8 theo phương án 1, đó là cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quan tâm thể hiện các nội dung ưu đãi thuế khi sửa đổi pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan, trong đó có dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quy-dinh-bien-phap-cong-bo-gia-ban-buon-du-kien-ap-dung-doi-voi-thuoc-ke-don-803944