Quy định cấp phép cho đoàn làm phim nước ngoài tại Việt Nam: Còn nhiều băn khoăn
Ngày 29/3 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong đó, vấn đề quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhận được sự quan tâm, bàn luận của nhiều đại biểu. Đây cũng là trăn trở của Điện ảnh Việt thời gian qua.
Được biết, Dự án Luật Điện ảnh được xây dựng với bố cục gồm 8 chương với 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý Nhà nước về điện ảnh. Đối tượng áp dụng của Luật gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước về Điện ảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.
Tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt trong đó tiếp cận điện ảnh phải theo 2 mặt: một là tác phẩm văn hóa nghệ thuật và hai là công nghiệp văn hóa. Nếu coi đây là lĩnh vực văn hóa thì Nhà nước phải đầu tư góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục. Nhưng nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm tạo hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển Điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa - nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Một cảnh trong phim “Người tình”.
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm tranh luận của đại biểu Quốc hội là vấn đề quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong tình hình giao lưu hợp tác quốc tế sâu rộng như hiện nay thì đây là một vấn đề quan trọng của điện ảnh. Việc này không chỉ mang tới cho điện ảnh Việt cơ hội học hỏi với các nền điện ảnh tiên tiến, phát triển trên thế giới, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế không nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh. Qua đó quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Vì thế, việc quy định các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam là rất cần thiết.
Có thể nói, Việt Nam là đất nước có cảnh quan thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, con người thân thiện dễ mến. Ngoài ra, nền văn hóa giàu bản sắc, độc đáo chính là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế.
Từ nhiều năm qua, đã có một số bộ phim nổi tiếng thế giới chọn bối cảnh quay tại Việt Nam hoặc câu chuyện phim có yếu tố Việt Nam như “Người tình”, “Đông Dương”, “Con gái ông chủ vườn thuốc”, “Người Mỹ trầm lặng”… Và gần đây nhất, năm 2017 là dự án phim khủng của Hollywood đã sử dụng bối cảnh tại Việt Nam là “Đảo đầu lâu” (Kong: Skull island). Nhà sản xuất Alex Garcia của bộ phim này đã phát biểu: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi”.
Trước đó, bộ phim “Đông Dương” (Indochine - 1992) của đạo diễn Resgis Wargnier là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt, cuộc đời của bà chủ đồn điền cao su. Bối ảnh phim được quay hầu hết ở Việt Nam với những địa danh như TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Lăng Tự Đức (Huế), Tam Cốc (Ninh Bình). Phim nhận giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” năm 1993.
Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam vẫn chưa nhiều so với tiềm năng. Nguồn lợi từ việc cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim vẫn còn rất thấp. Trong khi đây có thể coi như là “mỏ vàng” dồi dào tiềm năng. Thời gian vừa qua, có một thực tế đáng tiếc là nhiều đoàn phim muốn đến Việt Nam quay nhưng cuối cùng họ lại chọn một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia, Philippines…
Đã từng có bộ phim được sản xuất từ năm 1987 với tên gọi “Good morning Viet Nam” (Xin chào Việt Nam) do Mỹ sản xuất. Nhân vật chính là cô gái người Việt tên Trinh, gây ấn tượng bằng hình ảnh thướt tha trong tà áo dài trắng nhưng lại do một diễn viên Thái Lan đóng. Cũng như, toàn bộ cảnh quay đều thực hiện ở Thái Lan.
Một cảnh trong phim “Đảo đầu lâu” (Kong Skull Island).
Chính vì vậy, việc đóng góp Dự thảo Luật Điện ảnh quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài nhận được nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể là tranh luận giữa việc yêu cầu phía sản xuất phim cung cấp kịch bản đầy đủ hay kịch bản tóm tắt.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng như đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cùng chung quan điểm: chúng ta đang mong muốn thu hút các nhà làm phim tới Việt Nam sử dụng bối cảnh thì các quy định cần phải tháo gỡ khó khăn, cản trở trong quá trình cấp phép. “Nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức nước ngoài đã vấp ngay phải rào cản là phải cung cấp kịch bản đầy đủ thì họ sẽ không mặn mà. Mặt khác, làm phim cũng là quá trình sáng tạo nghệ thuật, một kịch bản chi tiết có khi cũng chỉ là khung ban đầu, tùy vào thực tế quá trình làm phim, đạo diễn có thể thay đổi, thêm bớt. Do đó, việc thẩm định kịch bản chi tiết là không có nhiều ý nghĩa” - ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.
Còn đại biểu Trần Văn Lâm thì đặt ra câu hỏi “Có cần thiết quy định phải thỏa thuận hoặc hợp đồng với cơ sở điện ảnh Việt Nam trong quá trình quay không? Tại sao quay phim bối cảnh tại Việt Nam lại đến tận Bộ VHTT&DL cấp phép? Hay có ý kiến cho rằng, chỉ cần tác phẩm điện ảnh không vi phạm những điều cấm của Luật như tuyên truyền, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; kích động, xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo… thì có thể đồng ý cho quay ở Việt Nam.
Phía cơ quan soạn thảo là Bộ VHTT&DL thì đề nghị giữ như Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, tức là yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ, hoàn chỉnh. Cơ quan soạn thảo cho rằng, đã từng có một số bộ phim do người nước ngoài sản xuất, quay tại Việt Nam vài cảnh như chiến tranh. Nhưng sau đó, những hình ảnh đó ghép vào một bộ phim có bối cảnh quay ở nước ngoài lại chứa đựng những quan điểm đi ngược lại về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam…
Thậm chí, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ngay cả những nền điện ảnh như Trung Quốc, Thái Lan vẫn yêu cầu đoàn làm phim cung cấp kịch bản đầy đủ. Bởi nếu không nắm kịch bản tổng thể, chỉ nắm kịch bản phân khúc tại Việt Nam thì có thể xảy ra những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) thì minh chứng tại cuộc họp, Thái Lan là một đất nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lý với Việt Nam đã rất thành công trong việc kêu gọi các nhà làm phim nước ngoài. Theo con số thống kê, năm 2018, nước này thực hiện chính sách hoàn thuế từ 15 đến 20% cho các nhà làm phim nước ngoài. Và chỉ riêng trong năm đó, đã có tới 714 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan, mang lại doanh thu cho nước này là 98 triệu USD. Lợi ích từ việc hợp tác làm phim, cho các đoàn phim sử dụng bối cảnh là điều không thể bàn cãi. Có thể thấy một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim tới sử dụng bối cảnh chính vì thủ tục cấp phép còn mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, để điện ảnh có thể phát huy được thế mạnh của mình thì cần thiết phải tháo gỡ thủ tục hành chính, cụ thể là đẩy thời gian xét duyệt nhanh hơn. Luật Điện ảnh sẽ được thông qua vào tháng 5 và hy vọng có những quy định đột phá mới. Bởi chỉ có tạo ra được hành lang pháp lý mang tính đột phá, trong đó, quy định thể hiện rõ mức độ ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng mới có thể hấp dẫn nhà sản xuất phim.