Quy định chi tiết hơn, chặt chẽ hơn về bảo vệ công chức Tòa án

Cơ chế bảo vệ thẩm phán nói riêng và công chức ngành Tòa án nói chung khi thực thi công vụ là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận trong phiên họp tổ chiều 9.11. Dự luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về cơ chế bảo vệ này, song các đại biểu cũng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định chi tiết hơn, chặt chẽ hơn để cơ chế bảo vệ được thực thi hiệu quả.

ĐBQH Lê Thành Long (tỉnh Kiên Giang): Cân nhắc việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết vi phạm hành chính

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung một nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án là giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật (điểm b khoản 2 Điều 3 và Điều 26). Theo quy định pháp luật hiện hành, Tòa án đã có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp gồm: xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; và áp dụng cái biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, xét về mặt thẩm quyền thì Tòa án đã có thẩm quyền nhất định trong lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Lê Thành Long (tỉnh Kiên Giang) thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội Lê Thành Long (tỉnh Kiên Giang) thảo luận tại tổ

Theo quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ thì Chính phủ có chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý hành chính nhà nước do các cơ quan hành chính thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương để bảo đảm quản lý nhà nước gắn liền với việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính. Do vậy, nếu chuyển toàn bộ hay một phần chức năng giải quyết vi phạm hành chính sang Tòa án thì phải có đánh giá rất kỹ, để tránh “trùng lẫn” với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án theo quy định của Hiến pháp.

Nếu xét về phối hợp, phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước, thì Tòa án đang thực hiện một công việc liên quan trực diện đến kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp là xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, trong đó có cả quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tức là, Tòa án đã và đang thực hiện kiểm soát quyền lực ở lĩnh vực này.

Việc chuyển chức năng xử lý vi phạm hành chính sang bên Tòa án cũng phải tính đến tính kịp thời, đặc biệt là tính khả thi. Qua báo cáo và số liệu thống kê của Chính phủ thì số vụ vi phạm hành chính trong năm 2019 khoảng 5,8 triệu vụ, số quyết định xử phạt hành chính đã ban hành khoảng 6,1 triệu quyết định; năm 2020 số tương ứng về cái xử phạt và các quyết định ban hành là hơn 4,8 triệu vụ vi phạm hành chính và gần 5,9 triệu quyết định xử phạt; năm 2021 số tương ứng là 4 triệu vụ vi phạm và 4,6 triệu quyết định xử phạt; năm 2022 là gần 4 triệu vụ vi phạm và 4,1 triệu quyết định xử phạt. Đây là những con số rất lớn.

Hiện nay, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đó là về chức danh, nếu nhân ra số người tuyệt đối ở các cấp, các ngành có chức năng xử phạt thì sẽ là số lượng lớn người có thẩm quyền và tác nghiệp hàng ngày. Do vậy, tôi đề nghị, phải tính toán thêm nếu chuyển toàn bộ giải quyết vi phạm hành chính sang Tòa án, phương án trước mắt là nên bỏ Điều 26 của dự thảo Luật.

ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk): Nghiêm cấm hành vi cản trở thẩm phán thi hành công vụ

Về bảo vệ thẩm phán, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 5, Điều 75 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 theo hướng: Thẩm phán được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết. Chế độ bảo vệ thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm các hành vi như: đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của thẩm phán; thân nhân của thẩm phán; cản trở thẩm phán thi hành công vụ; gây ảnh hưởng đến tính độc lập, vô tư, khách quan của thẩm phán khi thi hành công vụ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) thảo luận tại tổ

Thực tế hiện nay, rất nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Chỉ thị 26-CT/TW quy định thường liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, có sự tham gia của nhiều đối tượng manh động, thủ đoạn tinh vi, có hành vi chống đối quyết liệt (như một số tội gây rối trật tự công cộng, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…) đe dọa đến sự an toàn củat phán và nhân thân. Thế nhưng, tại Điều 102 dự thảo Luật mới chỉ có các quy định chung về bảo vệ thẩm phán mà chưa có quy định cơ chế bảo vệ cụ thể để thực hiện. Do đó, cần có quy định chi tiết hơn, chặt chẽ hơn về bảo vệ thẩm phán và thân nhân của thẩm phán nói riêng, công chức Tòa án nói chung trong trường hợp được phân công giải quyết, xét xử các loại vụ án theo quy định tại Chỉ thị 26-CT/TW. Có như vậy mới bảo đảm hỗ trợ thẩm phán yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xét xử.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình): Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là phù hợp

Dự thảo Luật quy định trong tổ chức Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử sơ thẩm các vụ việc đặc thù theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, việc thành lập Tòa án này để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù, có tính chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là phù hợp và cần thiết; góp phần giải quyết nhiệm vụ “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp” được đặt ra trong Nghị quyết số số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thảo luận tại tổ

Trên thực tế, thẩm phán cùng lúc phải xét xử các vụ việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Thẩm phán cần được chuyên môn hóa càng sâu, càng cụ thể lĩnh vực xét xử thì hiệu quả, chất lượng càng được nâng cao. Việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt đối với một số loại án khó sẽ phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, Hội thẩm, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết loại án này, đặc biệt là các loại án như: án về phá sản, án về sở hữu trí tuệ…

Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn liệu với quy định như vậy có làm tăng đầu mối, biên chế hay không? Đề nghị nội dung này cần được làm rõ trong báo cáo đánh giá tác động. Ngoài ra, với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại địa hạt pháp lý nào, số lượng bao nhiêu, cơ cấu tổ chức của Tòa án này như thế nào cũng phải được thể hiện rõ trong hồ sơ dự án Luật để được xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo.

Về bảo vệ thẩm phán, khoản 5 Điều 102 dự thảo Luật quy định: “Thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật”. Tôi thống nhất việc dự thảo Luật đưa ra quy định về việc bảo vệ thẩm phán khi thi hành công vụ bởi thực tế cho thấy, thẩm phán phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, những mặt trái của xã hội, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm. Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm trường hợp trong khi thi thành công vụ, ngoài thẩm phán thì các chức danh tư pháp khác, như thư ký tòa án, thẩm tra viên cũng phải làm việc với đương sự nên nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng rất cao. Đây cũng là những đối tượng cần được bảo vệ khi thi hành công vụ. Do đó, tôi đề nghị bổ sung nội dung “thẩm tra viên, thư ký tòa án được hưởng chế độ chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng” như quy định đối với thẩm phán.

Thanh Hải - Thanh Chi – Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/quy-dinh-chi-tiet-hon-chat-che-hon-ve-bao-ve-cong-chuc-toa-an-i349473/