Quy định cho du khách: Từ khuyến cáo đến răn đe
Uống nước vòi, đi trên những con đường được đánh dấu, tôn trọng người địa phương, không cho thú ăn,… là một số ví dụ về quy định dành cho du khách mà nhiều nơi trên thế giới, từ Aspen (Colorado, Mỹ) đến New Zealand, áp dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng từ làn sóng khách du lịch quá đông.
Sông băng Vatnajökull ở Iceland. (Nguồn: Iceland Mag)
Mặc dù những quy định này đa phần không có chế tài thực thi, một số chuyên gia tin rằng chúng đặt ra những quy chuẩn cần thiết cho du khách.
Ông Gregory Miller - Giám đốc điều hành của Trung tâm Du lịch có trách nhiệm (Mỹ), nói rằng: “Những quy định này mang tính giáo dục. Nó liên quan đến ý thức về những giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử của một địa điểm cụ thể”.
Bên cạnh đó, ông Miller cho rằng, những quy định còn là “một cam kết quan trọng”, là việc lựa chọn và thể hiện hành vi tốt.
Chung tay gìn giữ thiên nhiên
Iceland, quốc gia tiêu biểu trong việc đón làn sóng du khách, đã đưa ra bộ quy định vào giữa năm 2017, trong đó kêu gọi khách du lịch tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, chẳng hạn như không đi ra khỏi các cung đường cho phép, cắm trại tại những nơi được chỉ định, đỗ xe đúng chỗ và tránh “selfie” tại những nơi nguy hiểm.
“Tôi sẽ chụp những tấm ảnh để đời, chứ không phải chết vì những tấm ảnh này”, là nội dung của một khuyến cáo. Hay một câu khác trong quy định ghi rằng: “Không đi vệ sinh bừa bãi tại các khu vực thiên nhiên”.
Sigridur Dogg Gudmundsdottir, Giám đốc Quan hệ công chúng của Visit Ireland, cho biết, đến nay, gần 70.000 người đã ký vào cam kết khi đến du lịch tại quốc đảo này. Du khách có thể làm trực tuyến qua mạng hoặc tại sân bay - nơi họ chỉ cần làm một vài thao tác đơn giản là có thể đọc được những quy định.
“Chúng tôi đang cố gắng để cho du khách đến Iceland hiểu rằng, chúng tôi không muốn cấm đoán quá nhiều”, bà Gudmundsdottir nói. “Chúng tôi muốn gửi thông điệp theo một cách nhã nhặn hơn và kêu gọi du khách cùng tham gia gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp của Iceland”.
Đến nay, nhiều nơi đã đi theo cách làm của Iceland như Bend (bang Oregon, Mỹ), Big Sur (bang California, Mỹ), quần đảo Hawaii (Mỹ) với “Cam kết Pono”, New Zealand với “Lời hứa Tiaki”, hay như Phần Lan mới đưa ra “Cam kết Phần Lan bền vững” hồi tháng trước. Năm ngoái, thị trấn du lịch trượt tuyết Aspen ở bang Colorado (Mỹ) cũng đưa ra quy định và Hiệp hội Du lịch Aspen đã áp dụng vào chiến dịch “gắn thẻ (tag) địa danh có trách nhiệm” trên Instagram nhằm tránh thu hút quá đông du khách đổ về thị trấn này.
Quy định của các địa phương thường gồm những điều phổ biến như: tôn trọng địa điểm, không xả rác, đi trên những con đường được đánh dấu và ngủ trong các khu trại. Đặc biệt, quy định liên quan đến mạng xã hội cũng được chú trọng, như “Tôi sẽ không đánh cược mạng sống hoặc một phần thân thể để đổi lấy lượng like” trong cam kết của Bend hay Big Sur. Một số quy định mang tính đặc thù của địa điểm, như “Nham thạch nóng chảy sẽ cuốn hút tôi, nhưng tôi không muốn chặn dòng chảy đó lại” trong Cam kết Pono ở Hawaii.
Biển ở Palau. (Nguồn: Swaraja)
Khả năng vi phạm pháp luật
Palau, một quần đảo ở Thái Bình Dương, là quốc gia đầu tiên sửa đổi luật xuất nhập cảnh nhằm yêu cầu tất cả du khách ký một cam kết khi đặt chân đến đây. Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có hơn 240.000 người ký Cam kết Palau.
“Cam kết này là cần thiết sau khi các hành vi vô trách nhiệm của du khách bắt đầu làm ảnh hưởng đến môi trường nguyên sơ của Palau cũng như văn hóa bản địa”, đại diện chính quyền Palau cho biết. Quốc đảo này cũng đã thông qua luật cho phép phạt tiền có thể lên đến 1 triệu USD đối với những ai vi phạm cam kết.
Các bộ quy định thường không mang tính răn đe, song trong một số trường hợp, việc phá vỡ cam kết lại là hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, trong Cam kết Iceland có một điều ghi rằng: “Du khách có thể lái xe đi đến bất cứ nơi nào, nhưng không được lái chệch ra những cung đường”. Bà Gudmundsdottir nói rằng việc làm như vậy sẽ bị phạt vì đây là luật của đất nước Iceland.
Tương tự, ở Phần Lan, người xả rác bừa bãi có thể bị phạt tiền hoặc bị giam tới 2 năm, theo bà Liisa Kokkarinen - Giám đốc dự án tại Tổ chức Du lịch trách nhiệm vì Phần Lan phát triển bền vững. Du khách cũng có thể đối mặt với một khoản phạt hoặc một số hậu quả pháp lý khác nếu vô tình vi phạm “quyền của mỗi người dân Phần Lan” như câu cá không xin phép, không đi trên những con đường được đánh dấu, hoặc lấy đi tài nguyên thiên nhiên từ các khu vực được bảo vệ.
“Quy định của chúng tôi nhằm bảo vệ du khách đến Phần Lan, giúp họ ý thức những nguyên tắc và trách nhiệm chung”, bà Kokkarinen nói. Bên cạnh việc giáo dục khách du lịch về trách nhiệm, bà Kokkarinen cho rằng, quy định du lịch còn là cách để du khách có thể trải nghiệm như những người địa phương.
Một số quy định còn được chuyển sang một hình thức mới: gây quỹ. “Cam kết với thiên nhiên”, được triển khai vào mùa Hè 2019, là một sáng kiến của 5 thị trấn vùng núi tại Mỹ gồm Bend (bang Oregon), Bozeman (bang Montana), Flagstaff (bang Arizona), Steamboat Springs (bang Colorado), South Lake Tahoe (hai bang California và Nevada) nhằm khuyến khích du khách đóng góp tiền để bảo tồn không gian công cộng.
“Chúng tôi mời bạn xem xét đóng góp 1 USD/ giờ cho thời gian bạn dành ra để đạp xe leo núi, đi đến đỉnh núi sử thi hay những đồng cỏ hoa dại, câu cá trên những dòng sông hay dòng suối nguyên sơ, hoặc bất cứ cuộc phiêu lưu tuyệt vời nào mà bạn trải nghiệm”, theo trang web của chương trình “Cam kết với thiên nhiên”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quy-dinh-cho-du-khach-tu-khuyen-cao-den-ran-de-103433.html