Quy định đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg và cá trích dài 110mm, đâu là lý do?
Bộ Nông nghiệp nói về quy định chỉ được đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg và cá trích dài 110mm nhằm để bảo vệ nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị cạn kiệt.
Thông tin về việc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó vì quy định chỉ được đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 - 7 kg và cá trích xương từ 110 mm (tức 0,11 mm). Đây là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37/2024 có hiệu lực từ ngày 19/5/2024 vừa qua.
Trao đổi rõ hơn về quy định này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra chiều 28/6, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, mục đích của những quy định này nhằm để bảo vệ nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị cạn kiệt.
“Hiện nay, với mục đích để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác đã quy định kích cỡ cho phép khai thác để làm sao khai thác vừa mức, nhằm duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo” - ông Hùng nói.
Không chỉ điều tra nguồn lợi, theo Cục trưởng Kiểm ngư, trước khi đưa ra các quy định này thì cơ quan chuyên môn đều đã có nghiên cứu bài bản về cơ sở khoa học, phân tích sinh học với các số liệu đầy đủ trong 10 năm qua.
Về cơ sở khoa học, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy, từ năm 2010-2020, phân tích sinh học các đối tượng thủy sản như với cá trích, ở kích thước 500mm và 110mm, có đến 50% cá thể thành thục và sinh sản lần đầu. Do vậy đó là mốc chốt để giới hạn kích thước khai thác, không được khai thác dưới mốc đó.
“Trong những năm vừa qua trữ lượng nguồn lợi hải sản của ta suy giảm rất mạnh. Nếu chúng ta không quy định kích cỡ thì người dân sẽ khai thác tất cả con non, dưới tuổi trưởng thành. Như vậy sau này nguồn lợi sẽ hết, chúng ta sẽ không còn nguồn lợi để khai thác” - ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Cục Kiểm ngư, nguồn lợi hải sản ở nước ta suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng trong nhiều năm qua. Trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản ở giai đoạn 2016 - 2020 ước tính khoảng 3,95 triệu tấn và giảm 22,1% so với trữ lượng 5,07 triệu tấn trong giai đoạn 2000 - 2005. Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi được xác định là do cường lực khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non, kích thước nhỏ chiếm tỷ lệ cao trong sản lượng khai thác.
Báo cáo của Cục Kiểm ngư gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kết quả điều tra sinh học nghề cá giai đoạn 2015 - 2020 đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mức độ xâm hại nguồn lợi của các loài thủy sản kinh tế ở mức rất cao, xảy ra ở các loại nghề, các vùng biển và hầu hết thời điểm trong năm.
Vào mùa sinh sản và ương nuôi nguồn giống thủy sản, tỷ lệ xâm hại nguồn lợi của một số loài kinh tế đạt mức tuyệt đối với 100% sản lượng là cá, tôm, mực con non, kích thước nhỏ. Vì vậy, để phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững cần phải có các giải pháp giảm thiểu mức xâm hại, bảo vệ và phục hồi nguồn lợi.
Ở các nước trên thế giới, kích thước khai thác tối thiểu là kích thước nhỏ nhất của loài thủy sản được phép khai thác bằng các loại nghề và ngư cụ khai thác khác nhau. Đây là biện pháp kỹ thuật trong quản lý nguồn lợi thủy sản. Quy định kích thước khai thác tối thiểu đã được đưa vào quy định quản lý nghề của các tổ chức (FAO, IATTC...) và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ (Mỹ, Mexico, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Australia, Indonesia, New Zealand...).
Ở Việt Nam, kích thước khai thác tối thiểu đã được quy định gần 20 năm nay tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thủy sản. Kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản kinh tế và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong các vùng nước tự nhiên được quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản và Thông tư 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại các văn bản này, tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 15% sản lượng thủy sản khai thác được.