QUY ĐỊNH ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ, PHÙ HỢP VỀ ÁP DỤNG LUẬT TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Vừa qua, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi quy định về điều khoản áp dụng pháp luật là rất cần thiết. Do đó, để đảm bảo hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần có quy định điều khoản cụ thể, phù hợp, thuận tiện cho việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc cơ bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thiết kế với bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều cho rằng, việc sửa đổi quy định về điều khoản áp dụng pháp luật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật. Tuy nhiên, quy định về áp dụng Luật Thủ đô như dự thảo Luật do Chính phủ trình: trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất (khoản 2 Điều 4) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả như mong muốn, có thể gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước bởi cùng một việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô nhưng sẽ có nhiều biện pháp xử lý khác nhau, tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và trong Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND thành phố Hà Nội quyết định (tương tự như các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, đề nghị quy định trình tự, thủ tục để HĐND Thành phố quyết định vấn đề này nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, trong quá trình soạn thảo, trình Quốc hội các dự án luật, nghị quyết thì cần xem xét, đánh giá về nội dung các quy định trong dự thảo các văn bản này với việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô; trường hợp có nội dung vẫn cần thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô thì phải chỉ rõ trong dự thảo văn bản sắp ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Luật Thủ đô nếu cần có chính sách ưu đãi hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị điều khoản áp dụng Luật Thủ đô nên quy định tại Dự thảo luật, nhất thiết phải có điều khoản áp dụng, vượt trội, đặc thù, cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, để bảo đảm hiệu quả thi hành của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua phải xử lý rất tốt mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, cả các luật đã ban hành trước và cả các luật ban hành sau này. Luật Thủ đô là một đạo luật dành riêng cho Thủ đô, đây là luật rất đặc thù trong hệ thống pháp luật.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Tại phiên họp, giải trình làm rõ quy định này tại dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đây là một điều khoản tương đối khó. Theo Bộ trưởng, cả 2 phương án Hà Nội đề xuất cũng như Ban soạn thảo đề xuất tại dự thảo đều còn một số điểm cần phải tiếp tục cân nhắc, rà soát như việc để cho Hội đồng nhân dân lựa chọn các chính sách đặc thù sẽ tạo ra sự không nhất quán, không thống nhất được trong hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, việc xem xét quy định áp dụng thuận lợi hơn, ưu đãi hơn cho Hà Nội hoặc cho từng đối tượng, câu chuyện là hết sức khác nhau. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này và cam kết sẽ nghiên cứu, thiết kế phù hợp để đảm bảo tính khả thi, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật khi áp dụng.

Nêu đề xuất bước đầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đang cho rằng, xử lý cụ thể trong từng đạo luật và giao thêm trách nhiệm cho Hà Nội, giao thêm trách nhiệm cho các cơ quan chủ trì soạn thảo và kể cả Bộ Tư pháp trong việc theo dõi để báo cáo xử lý từng trường hợp cụ thể…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cần có quy định điều khoản cụ thể, phù hợp, thuận tiện cho việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc cơ bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80175