Quy định hưởng BHXH một lần làm 'nóng' nghị trường Quốc hội

Tại phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 27/5, nhiều ĐBQH phát biểu, tranh luận sôi nổi liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Băn khoăn quy định trước và sau khi luật có hiệu lực

Quan tâm tới nội dung về hưởng BHXH một lần, ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ bày tỏ ủng hộ Phương án 2, bởi phương án này vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia BHXH và giữ được an sinh tối thiểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu, phương án này lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động (NLĐ), bởi đa phần những người tham gia BHXH tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống. Do đó, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 27/5.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 27/5.

Đại biểu kiến nghị: "Để giữ chân người tham gia BHXH và hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần, dự thảo luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống".

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều ĐBQH cũng như NLĐ quan tâm. Theo đại biểu, Phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày luật này có hiệu lực.

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của NLĐ về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, trong tháng 4 vừa qua, việc rút BHXH một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024, cho rằng đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua và nếu không có giải pháp hiệu quả thì thời gian tới việc rút BHXH một lần sẽ tăng.

Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của NLĐ khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo NLĐ duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Đề xuất "tích hợp" 2 phương án

Còn ĐBQH Nguyễn Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, 2 phương án đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất.

Đại biểu phân tích, không nên chọn Phương án 2 vì chúng ta giữ chân NLĐ bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của NLĐ. Tuy nhiên, Phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TPHCM.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TPHCM.

Đại biểu cho rằng, cả 2 phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu, do đó, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho NLĐ được lựa chọn, kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực.

Đồng thời đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho NLĐ vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền NLĐ được hưởng nếu rút BHXH một lần.

ĐBQH Phan Thái Bình.

ĐBQH Phan Thái Bình.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, 2 phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 phương án này là thời điểm tham gia đóng BHXH của NLĐ là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng rút BHXH một lần, sau ngày này thì không được hưởng.

Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút BHXH một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của NLĐ, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực. Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của 2 phương án, đại biểu đề xuất tích hợp 2 phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-dinh-huong-bhxh-mot-lan-lam-nong-nghi-truong-quoc-hoi-169240527113051942.htm