Quy định mới cấp giấy chứng nhận phương tiện hàng không lắp ráp tại Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về quản lý, khai thác cảng hàng không, có hiệu lực từ 10/4.
Cảng vụ cấp giấy chứng nhận phương tiện, thiết bị trong sân bay
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không và Nghị định 64/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Điểm đáng chú ý tại quy định mới liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam.
Theo đó, trường hợp các thiết bị, phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay trong phạm vi quản lý của một cảng vụ hàng không, cảng vụ hàng không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật cho các thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam.
Trừ các trường hợp quy định, cơ quan đảm nhận chức năng cấp giấy chứng nhận là Cục Hàng không VN.
Để được cấp giấy chứng nhận, người đề nghị cấp giấy chứng nhận cần gửi hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cảng vụ hàng không theo quy định hoặc đến Cục Hàng không VN.
Trong đó, hồ sơ đề nghị chấp nhận các bản sao điện tử của các giấy tờ, văn bản. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cảng vụ hàng không hoặc Cục Hàng không VN thực hiện các công việc kiểm tra, quyết định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không theo quy định, hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp giấy chứng nhận cho người đề nghị.
Công việc kiểm tra gồm xác định sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan được nhà sản xuất áp dụng để chế tạo sản phẩm; kiểm tra thực tế sản phẩm; kiểm tra kết quả nghiệm thu và kiểm tra kết quả các công việc kiểm tra cần thiết đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng; kiểm tra kết quả khai thác thử.
Đối với phương tiện, thiết bị chuyên ngành được sản xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới mà Việt Nam chưa tiếp thu và làm chủ được, Cục Hàng không VN hoặc cảng vụ hàng không yêu cầu người đề nghị cấp giấy chứng nhận thuê tổ chức độc lập đủ năng lực theo quy định thực hiện các kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để kiểm chứng việc tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng.
Trong việc cấp, thu hồi biển kiểm soát của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, trong hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị cấp biển kiểm soát cho các phương tiện chuyên ngành, cần có bản sao hoặc bản sao điện tử Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện chuyên ngành có quy định phải chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cảng vụ hàng không cấp biển kiểm soát cho phương tiện hoặc có văn bản thông báo lý do từ chối cấp biển kiểm soát cho phương tiện.
Quy định mới về nhà ga hàng hóa
Nghị định 20/2024 cũng sửa đổi, bổ sung những quy định về các dịch vụ hàng không cung cấp tại cảng hàng không, sân bay.
Trong đó, việc xác định các dịch vụ khai thác nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa được quy định cụ thể hơn.
Cụ thể, dịch vụ khai thác nhà ga hàng hóa hàng không được xác định là hoạt động tổ chức vận hành nhà ga hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra an ninh hàng không, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa quốc tế theo quy định đối với hàng hóa, bưu gửi vận chuyển bằng đường hàng không.
Nhà ga hàng hóa hàng không có vị trí tiếp giáp khu bay, kết nối trực tiếp với sân đỗ tàu bay.
Khai thác kho hàng hóa hàng không được xác định là hoạt động tổ chức vận hành kho hàng hóa hàng không, đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra an ninh hàng không, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa quốc tế theo quy định đối với hàng hóa, bưu gửi vận chuyển bằng đường hàng không.
Kho hàng hóa hàng không có vị trí không tiếp giáp khu bay, không kết nối trực tiếp với sân đỗ tàu bay.
Nghị định mới cũng nêu rõ, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất là các hoạt động thực hiện chức năng phục vụ hành khách; phục vụ hành lý; phục vụ hàng hóa, bưu gửi, đồng thời phục vụ tàu bay trên sân đỗ, kiểm soát trọng tải, khai thác chuyến bay và các hoạt động hỗ trợ khai thác tàu bay khác tại cảng hàng không, sân bay.