Quy định mới trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3.4.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, quy định về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) có một số thay đổi từ ngày 20.5.2023.
Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh đã triển khai thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh gồm 19 thủ tục; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố gồm 18 thủ tục.
Đến nay, kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trước khi thực hiện Nghị định 10 có 153.047 hồ sơ cần xử lý, giảm 21,03% so cùng kỳ năm trước (giảm 40.758 hồ sơ). Kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ khi thực hiện Nghị định 10 đến tháng 9.2023, tổng số hồ sơ cần xử lý là 90.596 hồ sơ.
Ông Trần Quang Khải- Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh cho biết, từ ngày 1.7.2023, thẩm quyền ký giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cụ thể như sau: Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, trực tiếp sử dụng con dấu của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để thực hiện ký cấp giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP.
Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh sử dụng con dấu của Văn phòng ký cấp giấy chứng nhận cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trong các trường hợp người sử dụng đất thực hiện các quyền đối với một phần diện tích.
Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành phố, thị xã sử dụng con dấu của Văn phòng chi nhánh để thực hiện ký cấp giấy chứng nhận cho cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trong các trường hợp người sử dụng đất thực hiện việc cấp đổi (trong trường hợp giấy chứng nhận bị ố, nhòe, rách, hư hỏng), cấp lại, chuyển quyền đối với trọn thửa đất và đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, sử dụng con dấu của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh để thực hiện ký xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp cho cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trong các trường hợp người sử dụng đất thực hiện các quyền đối với trọn thửa đất.
Ông Trần Quang Khải cho biết thêm, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực ngày 20.5.2023, có nhiều quy định mới như: Quy định mới về cấp giấy CNQSDĐ bằng hình thức online, thực hiện qua Cổng dịch vụ công; bổ sung điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư; sửa đổi thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ; bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư; sửa một số quy định về đất đai liên quan tới hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân; bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư; thời điểm tính thu tiền thuê đất đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất…
Một số quy định chuyển tiếp tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP như: Đối với trường hợp giấy chứng nhận đã được cơ quan có thẩm quyền ký trước ngày 20.5.2023 nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tiếp tục thực hiện thủ tục theo quy định trước ngày 20.5.2023.
Trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 20.5.2023 thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Còn trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành từ trước ngày 1.7.2004 thì tiếp tục thực hiện theo quy định trước ngày 20.5.2023.
Ông Khải cho biết: “Thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ được đưa về hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, nơi trực tiếp giải quyết các quyền của người dân trong quan hệ, giao dịch về đất đai là khâu đột phá về giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt khâu trung gian”.
Thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh triển khai thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đạt hiệu quả, giảm bớt khâu trung gian. Đồng thời, thực hiện phân quyền ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Văn phòng Đăng ký đất đai đã đi vào nề nếp, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, chủ động bố trí, tăng cường nguồn lực hỗ trợ chi nhánh khi hồ sơ chậm, trễ.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 10 còn một số hạn chế: Việc tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống thông tin Một cửa điện tử gặp khó khăn, in biên nhận chậm, để người dân chờ đợi lâu; việc luân chuyển hồ sơ thuế điện tử đã được thực hiện nhưng vẫn phải luân chuyển hồ sơ giấy qua cơ quan Thuế gây tăng khối lượng công việc và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh phải tăng cường nhân sự tại phòng đăng ký cấp giấy, phòng kỹ thuật cho chi nhánh để bảo đảm việc thực hiện thống nhất toàn hệ thống. Tăng cường hậu kiểm tra sau cấp giấy, đây là khâu rất quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót phát sinh, xử lý, khắc phục kịp thời.
Để nâng cao độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh đề xuất các giải pháp sau: tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu và hoàn chỉnh đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai; đồng bộ các phần mềm quản lý, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của người dân và doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, tạo môi trường minh bạch, công bằng trong tiếp cận chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, đặc biệt giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất, tiến tới có đường truyền chuyên dụng để xử lý cơ sở dữ liệu đất đai.
Thực hiện hiện đại hóa hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai như: Tập trung nguồn lực cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai kịp tiến độ, hạn chế hồ sơ trễ hẹn đến mức thấp nhất; bố trí trang thiết bị hiện đại cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; nâng cao chất lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động.
Tuyên truyền người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của viên chức, người lao động tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thị xã, thành phố. Kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh ngay các trường hợp có thái độ phục vụ không tốt.