Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm văn hóa cấp tỉnh
Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư 10/2021/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trung tâm văn hóa).
Thông tư nêu rõ, trung tâm văn hóa là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VHTT&DL, hoặc Sở Văn hóa và Thể thao, có chức năng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và phục vụ quản lý Nhà nước.
Nhiệm vụ, quyền hạn
Trung tâm văn hóa có nhiệm vụ tổ chức, tập huấn, bồi dưỡng, sáng tác, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tuyên truyền lưu động, triển lãm, cổ động trực quan, câu lạc bộ, nhóm sở thích và các hình thức hoạt động khác; xây dựng, thực hiện các mô hình hoạt động mẫu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; khai thác, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
Về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, trung tâm có nhiệm vụ tổ chức các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền, triển lãm, quảng cáo, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trung tâm văn hóa cũng có nhiệm vụ hợp tác, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị có liên quan trong nước và quốc tế; quản lý tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trên, trung tâm văn hóa có thể thực hiện bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn, như phục vụ các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn; các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực điện ảnh như hợp tác, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực điện ảnh; phát hành, phổ biến phim và các hoạt động dịch vụ giải trí điện ảnh, tổ chức tuyên truyền, chiếu phim phục vụ các sự kiện, nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần về lĩnh vực điện ảnh cho nhân dân; tổ chức các hoạt động chiếu phim lưu động và tại rạp; sản xuất, phát hành và phổ biến băng đĩa phim, phóng sự - tài liệu, video, clip, dịch và lồng tiếng, thuyết minh phim dân tộc, các thể loại khác thuộc lĩnh vực điện ảnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/11/2021, thay thế Thông tư số 03/2009/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2009.