Quy định mới về giáo dục bắt đầu triển khai từ năm 2023
Trong năm 2023, nhiều chính sách được người dân quan tâm liên quan tới lĩnh vực giáo dục chính thức đi vào thực hiện.
Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học
Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023. Đồng thời Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục
Quyết định số 4597/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục.
Quy định này áp dụng đối với: Các cơ sở giáo dục (CSGD) bao gồm: CSGD mầm non, CSGD phổ thông, CSGD thường xuyên, CSGD đại học, trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non. Quy định cụ thể các nội dung sau: Quy định cấu trúc thông tin tối thiểu của giao dịch thanh toán cần lưu trữ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục; quy định về định dạng cấu trúc và thành phần dữ liệu QR Code trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; yêu cầu về kết nối giữa hệ thống thanh toán của CSGD với hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/2/2022.
Ngày 6/1/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia với một số điểm mới.
Điển hình là quy định số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Cụ thể, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội ) có tối đa 6 thí sinh.
Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng tối đa 20 thí sinh.
Thông tư cũng yêu cầu thí sinh dự thi phải có học bạ chính của cấp học (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 của năm học). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/2.
Quy định cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo nghị định, cơ sở giáo dục đại học có bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ cấu tổ chức theo quy định. Cơ sở giáo dục đại học quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.
Đáng chú ý, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3.