Quy định mới về luân chuyển công tác cán bộ lãnh đạo

Theo Bộ Nội vụ, công chức lãnh đạo, quản lý chỉ luân chuyển khi còn thời gian công tác ít nhất 10 năm, tính từ thời điểm luân chuyển.

Mới đây, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 727/QĐ-BNV ngày 9/7/2025 về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ lĩnh vực công chức, viên chức thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ, trong đó có nội dung liên quan đến thủ tục luân chuyển đối với công chức lãnh đạo, quản lý.

Công chức lãnh đạo, quản lý chỉ luân chuyển khi còn thời gian công tác ít nhất 10 năm, tính từ thời điểm luân chuyển. Ảnh minh họa

Công chức lãnh đạo, quản lý chỉ luân chuyển khi còn thời gian công tác ít nhất 10 năm, tính từ thời điểm luân chuyển. Ảnh minh họa

Trong nội dung liên quan đến thủ tục luân chuyển đối với công chức lãnh đạo, quản lý, về yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Nội vụ quy định công chức lãnh đạo, quản lý phải còn thời gian công tác ít nhất 10 năm, tính từ thời điểm luân chuyển.

Đối với cá nhân được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí, nhưng không phải người địa phương hoặc không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác theo thời hạn bổ nhiệm.

Trường hợp đặc biệt sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, cá nhân được luân chuyển phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 6 tháng; có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.

Cá nhân được luân chuyển phải chuẩn bị những hồ sơ như nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình; bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; đánh giá, nhận xét của chi bộ, đảng ủy cơ quan nơi công tác; đánh giá, nhận xét trong 3 năm gần nhất của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (trong đó phải xác định rõ sản phẩm cụ thể, thành tích trong công tác), hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có), uy tín và triển vọng phát triển…

Quy trình thực hiện sẽ trải qua 5 bước, bao gồm đề xuất chủ trương; đề xuất nhân sự luân chuyển; chuẩn bị nhân sự luân chuyển; trao đổi với các cơ quan liên quan, công chức được dự kiến luân chuyển; tổ chức thực hiện luân chuyển.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-dinh-moi-ve-luan-chuyen-cong-tac-can-bo-lanh-dao-410956.html