Quy định mới về phát hành sách giáo khoa dạy học tiếng dân tộc thiểu số

Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đó quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (gọi là tiếng dân tộc thiểu số), gồm: Điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với giáo viên và người học tiếng dân tộc thiểu số; in ấn, phát hành và chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Nghị định 96/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 4a "Tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số" như sau:

Đối với sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn theo phương thức xã hội hóa thì việc tổ chức in ấn, phát hành được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thì việc tổ chức in ấn, phát hành được thực hiện như sau: Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh), Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện việc in ấn, phát hành theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển giao sách giáo khoa

Nghị định 96/2025/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 4b "Thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số do Bộ GD&ĐT in ấn, phát hành".

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định việc chuyển giao sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số về UBND cấp tỉnh.

Nghị định 96/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ, giáo viên và người học được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật có liên quan.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-moi-ve-phat-hanh-sach-giao-khoa-day-hoc-tieng-dan-toc-thieu-so-post729533.html