Quy định quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 17 quy định quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; các làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quyết định công nhận và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quyết định quy định nội dung quản lý ngành nghề nông thôn, làng nghề bao gồm: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ngành nghề nông thôn, làng nghề. Chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển, bảo vệ môi trường ngành nghề nông thôn, làng nghề; bảo tồn và phát triển làng nghề.

Thực hiện xét duyệt công nhận, thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo Điều 5, Điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Thời gian nộp hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trước ngày 15/10 hằng năm. Thanh tra, kiểm tra các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề theo quy định của pháp luật.

Về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, Quyết định nêu rõ các cơ sở ngành nghề nông thôn; làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển quy định tại Chương III và Chương IV của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP; các chính sách ưu đãi về môi trường và các chính sách khác theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành nghề nông thôn, làng nghề. Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.

Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gửi Sở Tài chính để tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chủ trì tham mưu UBND tỉnh công nhận và thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Các sở, ban, ngành liên quan khác, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Lập hồ sơ đề nghị xét công nhận và thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo quy định.

UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành, phát triển các nghề mới trên địa bàn. Xây dựng, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quy-dinh-quan-ly-phat-trien-nganh-nghe-nong-thon-lang-nghe-125123.bbg