Quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn theo từng ngạch Kiểm sát viên

Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu về tinh gọn tổ chức bộ máy theo định hướng không tổ chức cấp huyện.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện.

Về hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân (khoản 3 Điều 1), dự thảo Luật quy định hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; Viện Kiểm sát quân sự các cấp.

Tán thành cao với hệ thống tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định nguyên tắc xác định địa bàn hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực một cách cụ thể nhằm đảm bảo tính tương thích với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân, thuận lợi cho hoạt động tố tụng, tránh chồng chéo.

Đồng thời, cần có quy định chuyển tiếp rõ ràng để đảm bảo không gián đoạn hoạt động của Viện Kiểm sát; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của người được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên (khoản 18 Điều 1), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng việc mở rộng thẩm quyền cho Kiểm sát viên là cần thiết trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo xem xét quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo từng ngạch Kiểm sát viên để tránh tình trạng sử dụng chung một chức danh cho các công việc có tính chất và thẩm quyền khác nhau.

Khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật quy định, khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Xử lý vi phạm; xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm…

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) thống nhất với việc bổ sung quy định Viện Kiểm sát nhân dân xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân.

 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu cho biết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hành chính năm 2015 đều quy định về các trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự hành chính, trong đó có các hành vi cản trở tố tụng do Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân.

Theo quy định tại các khoản 1,2,3, Điều 41, Điều 42, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, khi cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát nhân dân phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển giao cho Công an, Tòa án nhân dân xem xét xử phạt tùy theo giai đoạn tố tụng.

Do đó, việc bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của Viện kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân là cần thiết và phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 đều không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của kiểm sát viên.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp với ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cân nhắc kỹ về sự cần thiết bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để quy định thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản luật.

Dự thảo Luật quy định số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không quá 27 người. Đại biểu Lê Tất Hiếu cho biết theo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân hiện hành thì số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người.

Tuy nhiên, theo chủ trương tinh gọn bộ máy, kết thúc hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, do đó, phần công việc Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ được chuyển lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, việc tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-ro-nhiem-vu-va-quyen-han-theo-tung-ngach-kiem-sat-vien-post1039428.vnp