Quy định tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô đang làm khó doanh nghiệp
Quy định tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô của Việt Nam hiện không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây cản trở cho các doanh nghiệp ô tô.
Quy định tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô của Việt Nam hiện không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây cản trở cho các doanh nghiệp ô tô.
Lắp ráp bộ linh kiện táp-lô vào xe Ranger tại Nhà máy Ford ở Hải Dương
Cách tính lạc hậu, gây khó doanh nghiệp
Định nghĩa về tỉ lệ nội địa hóa của xe ô tô xuất hiện lần đầu vào năm 2003. Định nghĩa này được nêu trong quyết định số 20/2003 (được sửa đổi bằng quyết định 28/2004) của Bộ KHCN quy định: “Tỉ lệ nội địa hóa của ô tô là tỉ lệ phần trăm của linh kiện nội địa hóa so với ô tô hoàn chỉnh”.
“
Hiện nay việc sản xuất lắp ráp các bộ linh kiện rời rạc thành sản phẩm hoàn thiện, cần phải tuân thủ các luật chơi chung của các hiệp định ATIGA mà Việt Nam làm thành viên, do đó việc cập nhật quy định là rất cần thiết, tăng sức cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước.
Tổng giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng
”
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, lúc đó nền công nghiệp phụ trợ còn rất yếu, nên từ năm 2002 ở Việt Nam xuất hiện một phương pháp lắp ráp ô tô gọi là IKD.
Tức là chia nhỏ bộ linh kiện nhập khẩu ra thêm nữa, cố gắng đưa các chi tiết do người Việt làm ra vào cụm linh kiện đó để tách bạch và hỗ trợ sản xuất trong nước.
Bởi vậy, các bộ linh kiện phải rời rạc, được thống kê thành danh sách mấy trăm loại chi tiết.
Thực tế việc tính tỉ lệ nội địa hóa dựa trên số lượng linh kiện đã gây khó không chỉ cho các nhà sản xuất, mà cơ quan quản lý như thuế, hải quan cũng vất vả vì tham vấn giá của các loại linh kiện chi tiết rất nhỏ từ nhà sản xuất gốc (OEM) ở nước ngoài không đơn giản.
Một số loại linh kiện không bán rộng rãi trên thị trường, chỉ bán cho hãng xe theo đơn đặt hàng, giá bán là bí mật cam kết giữa các bên.
Đại diện Ford Việt Nam chia sẻ, trong quá trình lắp ráp xe tại nhà máy ở Hải Dương, hãng đã rất vất vả để chứng minh “độ rời rạc” của các linh kiện nhập về.
Theo đại diện Bộ Công thương, trên thực tế, chủ trương khuyến khích hỗ trợ theo tỉ lệ nội địa hóa đối với linh kiện ô tô chưa có doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi theo chính sách này.
Vì vậy trong văn bản gửi Bộ KH&CN mới đây, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa hiện nay chưa phản ánh đầy đủ về giá trị, hàm lượng công nghệ cùa các linh kiện trên ô tô trong tổng thành ô tô hoàn chỉnh.
Cùng một loại linh kiện nội/ ngoại thất như nhau trên ô tô nhưng nếu vật liệu, công nghệ chế tạo khác nhau thì giá trị linh kiện chênh lệch lớn ở từng mẫu xe, phiên bản xe.
“Ví dụ cùng là bộ ghế ô tô, có mẫu xe sử dụng ghế điều chỉnh bằng điện, có trang bị cảm biến hiện đại, tự động nhớ vị trí ngồi của người sử dụng, có hệ thống sửa/làm mát, bọc da cao cấp… Nhưng do đều là ghế ô tô nên điểm nội địa hóa lại như nhau trong khi tính năng công nghệ, giá thành rất khác nhau”.
Ông Trần Quang Hà (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ GTVT) cũng cho biết: “Trước đây gần 20 năm, việc lắp bộ gioăng cửa ô tô bằng cao su vào tấm kính chắn gió phía trước là lắp bằng tay, nhưng hiện nay là máy móc lắp cả cụm kính. Thậm chí trên tấm kính đó có sẵn cụm radar cảm biến phía trước được gắn bằng robot chứ tay người không thể lắp được. Cho nên việc quy định phải tách bạch chi tiết này ra khỏi chi tiết kia trong lắp ráp ô tô trở nên lạc hậu”.
Theo ông Hà, sự khác biệt căn bản là thế giới tính tỉ lệ nội địa hóa dựa trên phần trăm về giá trị sản xuất nội địa, trong khi Việt Nam đang sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo số lượng cụm chi tiết được sản xuất trong nước.
Tính theo giá trị, ô tô Việt được miễn thuế nhập khẩu?
Kiểm tra bộ linh kiện táp-lô xe Mazda CX5 tại Nhà máy THACO Mazda ở Chu Lai
Trong văn bản góp ý với Bộ KH&CN mới đây, Bộ GTVT cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu theo sự phân công của các hãng ô tô toàn cầu.
Trong đó cần phải đồng bộ, thống nhất về phương pháp tính tỉ lệ nội địa hóa theo thông lệ quốc tế đang được các nước ASEAN và thế giới áp dụng là dựa theo tỷ lệ phần trăm về giá trị sản xuất trong nước.
Theo quan điểm của Bộ GTVT, các quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô như hiện nay sẽ gây chồng chéo về quản lý, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, do đó cần phải được rà soát, bãi bỏ.
Trong quá trình gia nhập các hiệp định thương mại song phương và đa phương, mặt hàng ô tô luôn xuất hiện, nằm trong nhóm các sản phẩm phải cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình.
Rõ nhất chính là hiệp định thương mại hàng hóa nội khối ASEAN (ATIGA). Kể từ ngày 1/1/2018 ô tô nguyên chiếc được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên.
Con số 40% này căn cứ vào giá trị (tính bằng tiền) của phần linh kiện được sản xuất trong nội bộ các thành viên ASEAN.
Bộ Công thương cũng cho rằng, phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa ô tô hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất ô tô, định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Vì vậy, Bộ Công thương đề xuất Bộ KH&CN cần xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định này.