Quy định về đạo đức nghề nghiệp: Thầy cô và xã hội cùng soi chiếu

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, một trong những tiêu chuẩn của Chuẩn nhà giáo là phải có đạo đức nghề nghiệp.

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Đạo đức nghề nghiệp cũng là nghĩa vụ của nhà giáo nên cần được quy định rõ ràng.

Cần thiết đưa vào luật

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Luật Nhà giáo phải nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp người thầy. Vấn đề cần bàn là, mức độ thể hiện phạm trù này trong luật như thế nào chứ không bàn có nên đưa luật hay không?

Nhìn vào Luật Nhà giáo, xã hội có thể hình dung về “hình hài” của nhà giáo, bao gồm cả “nội dung và hình thức”. Nội dung có thể được hiểu là đạo đức nhà giáo. Chúng ta không thể đem quy định về đạo đức xã hội để áp dụng cho đạo đức nhà giáo.

Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học, mà dạy học là một nghề nên nhà giáo phải có đạo đức nghề nghiệp để hành nghề. “Do vậy, nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì không ra được Luật Nhà giáo. Luật này phải có sự khác biệt với các luật có quy định về giáo dục hiện hành”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc quả quyết.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Thái – chuyên gia đến từ Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, đạo đức nhà giáo là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được hình thành trong lịch sử, lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội và quan hệ thầy – trò. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức thể hiện trong hành vi, ứng xử, thái độ của nhà giáo khi thực thi nhiệm vụ, bổn phận nghề nghiệp.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về đạo đức, nghề nghiệp nhà giáo còn tản mạn, xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, GS.TS Phạm Hồng Thái khuyến nghị, cần điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo trong Luật Nhà giáo, sau đó cụ thể hóa bằng nghị định của Chính phủ, hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Văn bản này quy định đạo đức nghề nghiệp của tất cả nhà giáo, dù làm việc ở khu vực công hay tư. Quy định được áp dụng đối với nhà giáo nước ngoài làm việc tại cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, không phân biệt đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ở các cấp học.

Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở đào tạo có tính đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc phải thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, mỗi cơ sở có thể có những quy định riêng, nhưng không trái với quy định chung về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo.

Một tiết học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một tiết học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tránh hành vi lệch chuẩn

Chuẩn mực đạo đức hành nghề thể hiện tính chất chuyên nghiệp của nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh. Ở các nước phương tây, việc ban hành và thi hành đạo đức nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của hiệp hội nghề nghiệp. Ở Việt Nam, đạo đức nhà giáo được quy định từ năm 2008, tại Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Quyết định 16).

Quyết định 16 là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học, được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo. Nói theo cách khác, quy định đạo đức nhà giáo ở Việt Nam không chỉ mang tính tự nguyện mà còn bắt buộc thi hành, trở thành tiêu chuẩn để được hành nghề hoăc bị xử lý theo quy định của pháp luật, tước bỏ danh xưng nhà giáo.

Góp ý cụ thể vào Khoản 1, 2 Điều 13 dự thảo Luật Nhà giáo có đề cập đến đạo đức nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thay vì bao gồm các tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, trình độ đào tạo bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, Ban soạn thảo nên tách bạch cụ thể thành Chuẩn năng lực đạo đức và Chuẩn năng lực chuyên môn của nhà giáo.

Các Chuẩn này bao gồm: Năng lực nhận thức và tư duy phản biện về quy tắc đạo đức dựa trên các giá trị chung; năng lực điều chỉnh điều khiển hành vi thực hiện theo các hướng dẫn đạo đức; trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Có 2 điểm quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Giáo dục Hà Nội) nhìn nhận. Đây là quy định cần thiết và quan trọng. Hiện, có nhiều văn bản quy định về đạo đức nhà giáo trong trường và các luật khác nhau như: Luật Viên chức… Tuy nhiên, Luật Nhà giáo sẽ cụ thể hóa và tập trung hơn phạm trù này nhằm tạo thành chế tài.

“Tôi cho rằng, luật phải được thể hiện thông qua những hành vi cụ thể (giống như Luật Giao thông đường bộ. Từ đó, nhà giáo và xã hội mới có thể soi chiếu để biết được hành vi nào được làm hay không, tránh việc làm lệch chuẩn”, PGS.TS Nguyễn Chí Thành nêu quan điểm.

Một trong những nguyên tắc xây dựng Luật Nhà giáo là chuẩn hóa đội ngũ, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống. Nguyên tắc này tạo công bằng cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và cơ sở giáo dục khác đều được thống nhất bởi các khung quy định chung. Ví dụ việc quy định chuẩn nhà giáo và hệ thống chức danh; các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp; chuẩn trình độ đào tạo; cơ hội về đào tạo, bồi dưỡng.

Việc chuẩn hóa và đồng bộ, thống nhất còn tạo sự bình đẳng và các cơ hội tiếp cận giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục.

Để có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”; đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục, có khả năng hoạt động nghề nghiệp hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với người được gọi là “nhà giáo”, ngoài yêu cầu về đạo đức, dự thảo Luật quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-ve-dao-duc-nghe-nghiep-thay-co-va-xa-hoi-cung-soi-chieu-post685705.html