Quy định về đầu tư xây trường chất lượng cao trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội):

Xây trường chất lượng cao là giải pháp quan trọng

Tôi nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao. Việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có viết: "Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị

Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thêm vào đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không phải là quy định hoàn toàn mới, thực chất đây chính là sự tiếp nối, kế thừa của Luật Thủ đô năm 2012 tại khoản 3 Điều 12. Thực tiễn triển khai quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội cũng đã cho kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên, tôi cho rằng cần cân nhắc về mức độ đầu tư cho trường có chất lượng cao, đối tượng được học ở trường này và nên lưu ý có phải chỉ có người Hà Nội mới được học trường này không, còn các địa phương muốn gửi lên học có được không?

Thêm vào đó, để được hưởng ưu đãi trong quy định Điều 43 về cơ sở giáo dục nhiều cấp học, quy định tại Điều 13 cũng phải là cơ sở giáo dục có nhiều cấp học và chất lượng cao chứ không phải bất cứ một cơ sở giáo dục có nhiều cấp học nào cũng được hưởng các ưu đãi như Điều 43.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình):

Đánh giá tác động mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao học phí cao cũng đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Hà Nội. Mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao đang triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao, mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội năm học 2023-2024 là 56 triệu đồng/học sinh/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình):

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình):

Nhiều trường công có chất lượng hiện đang làm đề án thành lập trường chất lượng cao, nhiều phụ huynh học sinh rất lo lắng vì học phí cao trong lúc điều kiện gia đình không đảm bảo và bối rối vì chưa biết sẽ chuyển con sang trường học nào.

Chính sách đặc thù khi đầu tư nhân rộng, xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai nếu không thận trọng có thể dẫn đến phân tầng giáo dục, trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện, dẫn đến sự bất bình đẳng, tạo nên áp lực cho người học và Nhân dân.

Ý kiến của rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giáo dục phổ thông phải là giáo dục toàn diện, bình đẳng trong hệ thống trường phổ thông công lập, không nên có sự phân tầng bởi mục tiêu của giáo dục công lập là tạo ra sự hưởng thụ cân bằng trong giáo dục.

Việc thực hiện mô hình trường công chất lượng cao, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách mạnh hơn, đặc biệt hơn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tạo không gian phát triển bình đẳng công - tư, trường tư phải được cung cấp các dịch vụ đặc biệt chất lượng cao như quan điểm của Luật Giáo dục đã nêu.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-ve-dau-tu-xay-truong-chat-luong-cao-trong-luat-thu-do-sua-doi.html