Quy định về dạy thêm, học thêm: Nhanh chóng đi vào thực tiễn

Các trường đề xuất cấp trên sớm có hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm học thêm để đảm bảo quyền lợi thầy và trò...

Việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT đang được các nhà trường triển khai. Ảnh minh họa: TG

Việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT đang được các nhà trường triển khai. Ảnh minh họa: TG

Có hiệu lực từ 14/2, các trường thực hiện nghiêm quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm, đồng thời đề xuất cấp trên sớm có hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi thầy và trò.

Quán triệt tinh thần chung

Đồng tình với sự cần thiết khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), thầy Nguyễn Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định, Nam Định) cho biết, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh chi tiết nội dung; thống nhất thực hiện Thông tư số 29 và quy định của UBND tỉnh, sở GD&ĐT về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc giờ dạy chính khóa (buổi sáng) trên cơ sở đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá. Thầy cô dành thời gian thích hợp để kiểm tra và chữa bài tập cho các em; hướng dẫn những nội dung khó, nâng cao; giao bài tập, nhiệm vụ cho học sinh làm việc cá nhân/nhóm vào buổi chiều được nghỉ học. Giáo viên thường xuyên kết hợp với cha mẹ nhắc nhở quản lý con em ở nhà.

Riêng khối 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo tổ chức khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo từng môn học, số lớp, thời lượng. Trước mắt, nhà trường điều chỉnh Kế hoạch dạy thêm, học thêm đã ban hành đầu năm học phù hợp với quy định tại Thông tư 29. Động viên, khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp tự nguyện; đồng thời xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ về mức chi hỗ trợ cho giáo viên dạy thêm.

“Chúng tôi quán triệt, chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh cuối cấp tự học và ôn tập. Phân công giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đảm bảo mức tối đa tiết dạy theo định mức tiêu chuẩn, bố trí những thầy cô có năng lực tốt đứng lớp. Tất cả vì mục tiêu đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng”, thầy Nguyễn Duy Phương chia sẻ và trao đổi thêm:

Với các em khối 10 và 11, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục giá trị và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… giúp học sinh phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Tổ chức các câu lạc bộ môn học, văn hóa, thể thao theo sở trường và nguyện vọng từng em; sau đó cử cán bộ, giáo viên hướng dẫn, phụ trách, giám sát.

Với 1.000 học sinh đang theo học, thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, các hoạt động giáo dục của thầy trò nhà trường được nối lại ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Thực hiện tinh thần của Thông tư 29 do Bộ GD&ĐT ban hành, nhà trường đã dừng việc dạy bổ trợ cho học sinh, đồng thời yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc việc dạy thêm bên ngoài nhà trường. Trong khi chờ hướng dẫn của sở, dự kiến từ 1/3, thầy cô sẽ tổ chức dạy ôn thi cho các em khối 12 trong trường không thu tiền.

 Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TG

Từng bước khắc phục khó khăn

Thời gian qua có không ít ý kiến bày tỏ sự lo lắng khi thực hiện Thông tư 29 bởi dạy thêm - học thêm là vấn đề tồn tại từ lâu. Theo phân nhóm của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 29, học sinh yếu cần dành thêm thời gian ôn luyện để tiến bộ; những em giỏi cần được bồi dường để cạnh tranh ở các kỳ thi tuyển chọn người tài; với học trò cuối cấp, để an tâm, tự tin bước vào các kỳ thi lớn, chuyển cấp, nếu có nhu cầu được nhà trường, thầy cô dạy bổ trợ. Hoạt động này thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Dưới góc độ quản lý ở cơ sở, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định, Bộ GD&ĐT ra văn bản mới nhằm “siết chặt” các quy định về dạy thêm, học thêm và loại bỏ những tiêu cực liên quan đến vấn đề này rất đáng hoan nghênh. Dù vậy, đây là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo chương trình mới nên việc duy trì các buổi học, ôn cho các em vẫn cần tiếp tục.

Cô Vân Hồng phân tích: Về bản chất, áp lực đối với học sinh phần lớn đến từ các kỳ thi, trong đó có kỳ thi vào lớp 10 mà truyền thông đề cập nhiều năm nay, đặc biệt ở các đô thị lớn. Nhiều bậc phụ huynh và học sinh có nhu cầu được học thêm để củng cố kiến thức. Không ai hiểu và chịu trách nhiệm về kết quả học tập của học trò bằng chính giáo viên trên lớp, nên thầy cô phải dạy bằng 100% năng lực.

“Hơn nữa, khi các nhà trường thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 là độc lập về mặt khảo thí đối với người dạy và học thì gần như không phát sinh tiêu cực về dạy thêm, học thêm. Khi thi, nhà trường chia phòng và dọc phách như một kỳ thi quốc gia, thầy cô không thể trù dập được học sinh nên các em có đi học thêm hay không cũng không tác động nhiều đến kết quả thi cử”, cô Vân Hồng giải thích.

Cũng theo cô Vân Hồng, Nghị quyết 03/2024 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2024 quy định rõ về danh mục các khoản thu và mức thu các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (trừ các cơ sở công lập chất lượng cao) trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, với học sinh THCS, dịch vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa nếu tổ chức trong trường chỉ 15.000 đồng/học sinh/giờ dạy. Nếu từ ngày 14/2, học sinh học ở trung tâm ngoài nhà trường thì phí sẽ cao hơn, ảnh hưởng đến một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do vậy, trước mắt, Trường THCS Chương Dương dạy miễn phí cho học sinh khối 9; đồng thời tiếp tục căn cứ theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội để thực hiện.

Hiện, chúng tôi tăng cường hướng dẫn học sinh tự ôn theo định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến từ 1/3, thầy cô tổ chức dạy ôn thi cho các em khối 12 trong trường không thu tiền. Nhà trường tiếp tục chờ văn bản hướng dẫn cũng như chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện Thông tư 29 để áp dụng vào thực tiễn phù hợp. - Thầy Nguyễn Minh Phi

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-nhanh-chong-di-vao-thuc-tien-post720445.html