Quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm xử lý nghiêm vi phạm nhưng vẫn nhân văn
Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên theo hướng một mặt thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; mặt khác bảo đảm sự công bằng, tính răn đe, góp phần hạn chế tình trạng người chưa thành niên phạm tội.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với NCTN phạm tội; thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN...
Thảo luận tại Kỳ họp, quy định về hình phạt đối với NCTN phạm tội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu (ĐB) Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) bày tỏ tán thành với quy định tại dự thảo Luật, theo đó giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành, không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với NCTN; bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho NCTN khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Đồng thời, giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm. Mở rộng đối tượng NCTN có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định. “Quy định như vậy nhằm bảo đảm sự công bằng trong quá trình thực hiện các quy định về hình phạt tiền đối với người lớn hiện nay...”, ĐB phân tích.
ĐB Đặng Thị Bảo Trinh nhấn mạnh, việc xử lý NCTN phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; áp dụng hình phạt với NCTN phạm tội chỉ được xem là giải pháp cuối cùng. Vì vậy, ĐB đề nghị rà soát kỹ lưỡng về nội dung cụ thể trong 4 loại hình phạt; xem xét một cách nhân văn và thân thiện đối với xử lý NCTN phạm tội để tạo cơ hội cho NCTN có hành vi vi phạm pháp luật sớm sửa sai, làm lại cuộc đời, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Chung quan điểm, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung cụ thể của 4 loại hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn để bảo đảm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xử lý nhân văn hơn đối với NCTN. Trong đó, ĐB đề nghị cân nhắc mở rộng trường hợp cảnh cáo áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể để bảo đảm xử lý nhân văn với NCTN trong trường hợp này.
Cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn, nhưng ĐB Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về việc áp dụng hình phạt theo hướng một mặt thể chế hóa được yêu cầu xử lý nhân văn hơn đối với NCTN phạm tội, mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Mặt khác, cần căn cứ hậu quả, tác hại, mặt khách quan của tội phạm khi quy định mức phạt đối với NCTN phạm tội để bảo đảm sự công bằng, tính giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế tình trạng NCTN phạm tội.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) dẫn báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết, tình trạng trẻ hóa tội phạm đang là vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Nhiều vụ án được gây ra bởi NCTN phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Theo ĐB, xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay đặt ra yêu cầu phải cân nhắc cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của Luật để vừa bảo đảm tính nhân văn, tạo điều kiện cho NCTN phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm nhưng vẫn có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.