Quỹ Hỗ trợ đầu tư: Gia tăng vị thế thu hút FDI
Quỹ Hỗ trợ đầu tư là một 'liều thuốc' kịp thời, giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Cạnh tranh thu hút FDI gay gắt
Theo đánh giá của ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế và Pháp lý, Deloitte Việt Nam: Việt Nam đang đối mặt với bối cảnh thu hút đầu tư toàn cầu đầy thách thức khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những thay đổi trong chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh họa
“Cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút vốn đầu tư trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác. Khi các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia… đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ đầu tư trong những lĩnh vực này, đưa ra những ưu đãi vượt trội để thu hút các dòng vốn quốc tế, từ đó củng cố vị thế của mình trên bản đồ công nghệ toàn cầu” - ông Bùi Ngọc Tuấn thông tin.
Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu. Cùng với mục tiêu duy trì mức tăng trưởng ổn định và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, Việt Nam đang đặt mục tiêu thu hút từ 40 - 50 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị số 50-NQ/TW năm 2019. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi các chính sách ưu đãi đầu tư phải được đổi mới và tối ưu hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các nhà đầu tư quốc tế.
“Chính vì vậy, việc đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư để thích nghi với bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển của đất nước là một yếu tố vô cùng quan trọng” - ông Bùi Ngọc Tuấn khẳng định.
Nhằm tạo đột phá cho chính sách ưu đãi đầu tư, theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 29/11/2023, Chính phủ Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến và đã ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP vào ngày 31/12/2024 (“Nghị định 182”) về Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Quỹ Hỗ trợ đầu tư không chỉ giúp giảm bớt các khó khăn tài chính mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Ảnh minh họa
Cơ hội từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư
Ông Bùi Ngọc Tuấn đánh giá, Quỹ Hỗ trợ đầu tư như một “liều thuốc' kịp thời, không chỉ cải cách chính sách ưu đãi đầu tư mà còn giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các ngành công nghệ cao. Chính sách này sẽ tạo ra cú huých quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp mũi nhọn khác có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cần thiết để phát triển, tập trung vào đầu tư thực chất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và công nghệ.
"Quỹ Hỗ trợ đầu tư không chỉ giúp giảm bớt các khó khăn tài chính mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển những sản phẩm, công nghệ sáng tạo, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Bùi Ngọc Tuấn thông tin.
Đặc biệt, các chính sách được đưa ra tại Quỹ Hỗ trợ đầu tư được áp dụng bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, không phân biệt quốc gia đầu tư. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đều có cơ hội tham gia và áp dụng các hỗ trợ này, qua đó đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghị định 182 quy định rõ hai loại hình hỗ trợ chính mà Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ cung cấp. Thứ nhất là chính sách hỗ trợ chi phí hàng năm, theo đó Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển. Các chi phí đủ điều kiện nhận hỗ trợ bao gồm chi phí đào tạo và phát triển nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội, và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, dành cho các doanh nghiệp có Trung tâm nghiên cứu và phát triển trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, những lĩnh vực đòi hỏi khoản đầu tư lớn về cơ sở vật chất và công nghệ. Chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt rủi ro tài chính khi bắt đầu triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Đối với các khoản đầu tư ban đầu, mức hỗ trợ có thể lên đến 50%.
Các doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ khi đáp ứng các điều kiện về quy mô đầu tư hoặc doanh thu hàng năm, cùng với các yêu cầu bổ sung tùy thuộc vào từng dự án cụ thể. Doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ nhận các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Quỹ, đồng thời doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi nhận được khoản hỗ trợ này.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý, Deloitte Việt Nam: Quỹ Hỗ trợ đầu tư là một bước đi chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm củng cố vị thế cạnh tranh và không bị tụt lại trong cuộc đua thu hút đầu tư toàn cầu. Đây là một “liều thuốc kịp thời”, giúp Việt Nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư quốc tế mà còn phát triển bền vững các ngành công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm và công nghệ có giá trị gia tăng lớn trên thị trường quốc tế.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-ho-tro-dau-tu-gia-tang-vi-the-thu-hut-fdi-374222.html