Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX: 'Bà đỡ mát tay' của nhiều HTX vùng biên Kon Tum

Từ một huyện biên giới còn nhiều gian khó, Ia H'Drai (Kon Tum) đang dần 'thay da đổi thịt' nhờ vào các mô hình kinh tế tập thể sáng tạo. Với sự đồng hành của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và tinh thần vượt khó của người dân, những mô hình như nuôi hươu sao, gà dược liệu… đã góp phần thúc đẩy 'sinh kế xanh' nở rộ trên vùng đất đỏ, thắp lên kỳ vọng về một tương lai phát triển bền vững.

Ia H’Drai là huyện biên giới miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Kon Tum, giáp Campuchia với đường biên dài hơn 79km. Huyện có 3 xã, dân số hơn 14.800 người, trong đó hơn 61% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 87% diện tích là rừng và đất rừng, Ia H’Drai thuộc danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021–2025. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum là hơn 40%. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 7,93%.

Quỹ Hỗ trợ phát triển đồng hành cùng HTX

Trong những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể. Tính đến nay, toàn tỉnh có 342 HTX đang hoạt động, thu hút khoảng 11 nghìn thành viên và người lao động tham gia. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Nhiều mô hình tổ hợp tác (THT), HTX đã khẳng định được hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đóng vai trò là “bà đỡ” đồng hành cùng các HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Quỹ Hỗ trợ) được thành lập từ năm 2016 với mục tiêu phi lợi nhuận. Quỹ ra đời nhằm hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, qua đó tạo điều kiện để các đơn vị mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Từ nguồn vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp, đến nay Quỹ đã nâng mức vốn lên 6 tỷ đồng, thực hiện hơn 30 lượt cho vay ưu đãi. Các khoản vay này chủ yếu tập trung hỗ trợ HTX đầu tư chuồng trại, trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật mới, phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Thông qua đó, Quỹ góp phần giảm áp lực tiếp cận vốn cho HTX – một rào cản cố hữu trong khu vực kinh tế tập thể.

Sản phẩm của HTX Đồng Tiến, đơn vị nhận được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển HTX tỉnh Kon Tum.

Sản phẩm của HTX Đồng Tiến, đơn vị nhận được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển HTX tỉnh Kon Tum.

Kon Tum là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp gắn với dược liệu và du lịch sinh thái. Các cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, mía đường, cây ăn quả, mắc ca và đặc biệt là sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các HTX theo hướng chuyên sâu, bền vững. Bên cạnh đó, các điểm du lịch sinh thái như Măng Đen, Chư Mom Ray, Ngọc Linh... mở ra cơ hội phát triển mô hình HTX du lịch cộng đồng, gắn sản xuất với trải nghiệm văn hóa bản địa.

Để phát huy hiệu quả, Quỹ Hỗ trợ không ngừng cải tiến quy trình hỗ trợ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn cho các HTX. Nhờ đó, nhiều HTX đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Một số đơn vị còn phát triển mô hình HTX kiểu mới, chú trọng yếu tố liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, Quỹ không chỉ đóng vai trò cung cấp vốn mà còn trở thành điểm tựa quan trọng giúp các HTX tăng năng lực quản trị, tự tin hội nhập thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Khi vốn được rót đúng nơi

Tại xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai), mô hình chăn nuôi hươu sao của HTX Nông nghiệp Đồng Tiến đang là một điển hình tiêu biểu trong chuyển đổi sinh kế cho người dân. Thành lập năm 2021 với 15 thành viên, HTX từng gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi và quản lý. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, cùng sự kiên trì, đồng lòng của các thành viên, HTX đã vươn lên trở thành đơn vị kinh tế tập thể vững mạnh của địa phương.

Đến nay, HTX có 21 thành viên, phát triển đàn hươu sao ổn định và mở rộng sản phẩm theo hướng chế biến sâu. Từ việc nuôi hươu lấy nhung, HTX đã chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị cao như: nhung hươu ngâm mật ong, rượu sâm nhung, nhung hươu khô xắt lát, nhung hươu tươi xắt lát, bột nhung hươu... Trong đó, 6 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, được người tiêu dùng tin tưởng, góp phần tăng doanh thu cho HTX và thu nhập của các thành viên.

Mô hình nuôi hươu sao của HTX Đồng Tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.

Mô hình nuôi hươu sao của HTX Đồng Tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.

Anh Nguyễn Xuân Tiến – Giám đốc HTX Đồng Tiến – chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ, chúng tôi có thể đầu tư chuồng trại đạt chuẩn, chế biến sâu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng tầm thương hiệu. Mục tiêu sắp tới là nâng sản phẩm đạt OCOP 4 sao và mở rộng tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử”.

Hiện nay, phong trào nuôi hươu sao đang lan rộng tại xã Ia Đal với sự tham gia của các tổ hợp tác và HTX khác. Các mô hình này không chỉ giúp người dân yên tâm đầu ra, mà còn tạo sinh kế ổn định, mở hướng thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Văn Lâm (thôn 4, xã Ia Đal), người từng được hỗ trợ hươu giống từ dự án của huyện năm 2021. Tận dụng cơ hội, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại, hiện sở hữu 16 con hươu trưởng thành, thu về mỗi năm khoảng 4,5 – 5kg nhung, giá bán trung bình 17 triệu đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán giống hươu, mang lại thu nhập ổn định từ 25 – 46 triệu đồng/cặp tùy độ tuổi.

Từ nuôi gà đến tinh dầu xả – một chuỗi giá trị xanh

Giữa vùng đất còn nhiều khó khăn như xã Ia Đal, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hợp Tiến nổi lên như một mô hình nông nghiệp sáng tạo, gắn kết hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi và chế biến dược liệu. Thành lập trong bối cảnh người dân còn thiếu vốn, thiếu định hướng sản xuất, HTX đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi gà dược liệu – một hướng đi mới chưa từng có trong khu vực.

Ban đầu chỉ có 30 hộ dân tham gia, mô hình nhanh chóng chứng minh hiệu quả nhờ tính an toàn sinh học cao, chi phí đầu tư hợp lý và đầu ra ổn định. Với quy mô chuồng trại khoảng 5.000 con, HTX Hợp Tiến áp dụng phương pháp nuôi sáng tạo: gà được cho ăn hỗn hợp thức ăn có chứa các loại dược liệu bản địa như sả, nghệ, gừng, tía tô, đinh lăng… Qua từng giai đoạn phát triển, khẩu phần ăn được điều chỉnh phù hợp, giúp tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, từ đó tạo ra sản phẩm gà sạch, chất lượng cao, trọng lượng lúc xuất chuồng đạt 3 – 3,5kg, giá bán ổn định ở mức 120.000 đồng/kg.

Chuẩn bị dược liệu làm thức ăn cho gà.

Chuẩn bị dược liệu làm thức ăn cho gà.

Không dừng lại ở chăn nuôi, HTX Hợp Tiến còn hình thành chuỗi giá trị khép kín. Các phụ phẩm từ dược liệu như lá, thân cây sả được chưng cất thành tinh dầu – một sản phẩm thương mại có giá trị. Mỗi tháng, HTX cung ứng khoảng 25 – 30 lít tinh dầu sả ra thị trường, với giá bán khoảng 500.000 đồng/lít. Nghệ cũng được tận dụng triệt để: lá và thân làm thức ăn cho gà, trong khi củ nghệ được chế biến thành tinh bột, giá bán ổn định ở mức 5 triệu đồng/tấn...

Không chỉ tạo sinh kế, mô hình còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình nông nghiệp hữu cơ có tính liên kết cao. Việc ứng dụng dược liệu vào chăn nuôi giúp bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. HTX hiện đang xúc tiến mở rộng liên kết với doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn để đưa sản phẩm ra ngoài tỉnh, từng bước tham gia chương trình OCOP và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Sự thành công của các HTX Hợp Tiến, Đồng Tiến không chỉ là minh chứng cho tính hiệu quả của những mô hình sinh kế sáng tạo, thích ứng ở vùng biên giới, mà còn thể hiện vai trò “bà đỡ mát tay” của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum trong việc kết nối nguồn lực, đồng hành với người dân trên hành trình phát triển. Với định hướng đúng đắn, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các HTX và Quỹ Hỗ trợ sẽ tiếp tục tạo nên những bước chuyển tích cực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thời gian qua, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Kon Tum triển khai hỗ trợ 12.000 cây giống dâu tây và 3.000 cây giống lan kim tuyến cho thành viên một số HTX trồng dưới tán rừng. Sự hỗ trợ thiết thực này đã góp phần tiếp thêm nguồn lực, tạo điều kiện để nhiều HTX hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, một số HTX bước đầu đã xây dựng được mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho hay, phát triển kinh tế tập thể, HTX luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới; phát huy tinh thần tự chủ, tự giác về kinh tế tập thể, giúp cho thành viên các HTX nhận thức đầy đủ hơn về bản chất, nguyên tắc, giá trị mà HTX mang lại.

"HTX không chỉ đóng vai trò tập hợp mà còn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho thành viên, nhân dân trong vùng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân", ông Chương nói.

Ngọc Hân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/quy-ho-tro-phat-trien-htx-ba-do-mat-tay-cua-nhieu-htx-vung-bien-kon-tum-1106760.html