Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa - 'xương sống' của sự phát triển (Bài cuối): Triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả
Để làm tốt vai trò quản lý và định hướng, có ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị phải chuyển dần từ dạng một 'công cụ kỹ thuật', sang một 'công cụ chính sách' để bảo đảm các lợi ích và các giá trị chung của xã hội. Muốn vậy, cùng với một bản quy hoạch tốt, việc triển khai quy hoạch phải được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả.
Quảng trường Lam Sơn - nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn của TP Thanh Hóa và của tỉnh. Ảnh: P.V
Bám sát phân kỳ quy hoạch
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 17-3-2023, gắn với mở rộng không gian phát triển và kinh tế đô thị. Trong đó, theo phân kỳ thực hiện quy hoạch, giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; rà soát công nhận đô thị loại I trên toàn bộ phạm vi quy hoạch, thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa; thực hiện đề án phát triển thành phố thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao đầu nối với đường cao tốc Bắc - Nam, đấu nối đường ven biển, các trục giao thông chính của đô thị.
Phát triển, hoàn thiện các khu đô thị mới trong khu vực trung tâm đô thị, khu vực Đông Nam, khu vực Đông Bắc, Hàm Rồng - Núi Đọ, khu vực phía Tây. Thành lập và thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phía Tây và các cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại lớn. Hình thành trục kết nối khu đô thị du lịch biển Hải Tiến - Trung tâm TP Thanh Hóa - Cảng Hàng không Thọ Xuân, Sầm Sơn - Hàm Rồng, Núi Đọ - Lam Sơn Sao Vàng. Phát triển và nâng cao chất lượng không gian trung tâm đô thị. Thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các quỹ đất hiện có; phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị, tuyến giao thông công cộng và các loại hình giao thông thủy để tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I...
Giai đoạn 2031-2040 tập trung nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh đô thị trên các tuyến phố chính theo thiết kế đô thị, xây dựng bản sắc đô thị, tăng cường gắn kết không gian với TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa, xử lý các vấn đề về môi trường, hoàn thiện các tiêu chí của thành phố thông minh.
Trung tâm hành chính mới TP Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, quy hoạch cũng xác định các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư. Cụ thể là ưu tiên lựa chọn các chương trình, dự án để triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung (lập chương trình phát triển đô thị; lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa các đồ án quy hoạch); các dự án theo lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầu mối; các dự án mang ý nghĩa liên vùng có tính chất tạo động lực, lan tỏa; các dự án nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, xây dựng bản sắc văn hóa... Đồng thời, xác định cơ chế huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư trên cơ sở rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng; tăng cường hỗ trợ, phổ biến, công khai thông tin về quy hoạch, đất đai; lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Đồng bộ và hiệu quả
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đang mở ra tầm nhìn mới, cùng những thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển đô thị Thanh Hóa. Đó là đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại với trọng tâm là dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ kỹ thuật cao; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; phát triển nông nghiệp đô thị với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh... Do đó, việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần có lộ trình rất cụ thể, rõ ràng, bài bản, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ và hiệu quả.
Trước hết là triển khai một khối lượng công việc lớn liên quan đến việc sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Trên cơ sở phân tích sự cần thiết và tính phù hợp của việc sáp nhập; cũng cần đặc biệt nhấn mạnh, việc sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa là đúng với tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Cùng với đó, thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị, lập thiết kế đô thị các tuyến đường, trục cảnh quan đô thị quan trọng; tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Thanh Hóa. Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Thanh Hóa cho phù hợp với Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tổ chức lập mới các quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Đông Sơn...
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đang đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, đó là tính kết nối để tận dụng được các lợi thế tự nhiên, vị trí địa lý để phát huy mạnh vai trò trung tâm tổng hợp tỉnh lỵ và một trong những trung tâm cấp vùng ở một số lĩnh vực thế mạnh. Sự liên kết giữa các huyện, thành phố trong vùng trung tâm tỉnh Thanh Hóa để phát huy tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch và nguồn nhân lực cũng như các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chung. Thứ hai, đó là quy hoạch một cách tổng thể, giải quyết những vấn đề còn bất cập, tồn tại trong đồ án quy hoạch chung TP Thanh Hóa năm 2009 đã được duyệt và triển khai trong thực tế, gồm: điều chỉnh cơ cấu quy hoạch, tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang đô thị. Thứ ba, quy hoạch các khu chức năng đô thị đối với phần mở rộng thuộc huyện Đông Sơn, giải quyết các vấn đề giáp ranh. Tính toán các khu vực nội, ngoại thành và các định hướng cơ bản về tổ chức hành chính đô thị theo giai đoạn.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 phải được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở kế thừa các quy hoạch trước đây. Đặc biệt, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa được xây dựng trên cơ sở kế thừa nền tảng phát triển ổn định của TP Thanh Hóa là một đô thị trung bình và điều chỉnh hướng tới mô hình một đô thị lớn. Muốn vậy, giải pháp cơ bản để cụ thể hóa mục tiêu trên là tiến hành phân vùng chức năng để phù hợp với xây dựng hình thái, chủ đề, chức năng hoạt động của từng khu vực và làm cơ sở cho kiểm soát tổng thể, phù hợp với bán kính phục vụ hoạt động của từng khu vực. Đồng thời, định hướng quy hoạch theo phương pháp cấu trúc chiến lược, để khắc phục các tồn tại của phát triển đô thị và quản lý quy hoạch kiến trúc. Tiêu chí phát triển là lấy chất lượng - quy mô, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng quy hoạch kiến trúc, phát triển bền vững thông minh làm cơ sở để rà soát hiện trạng và định hướng phát triển. Chú trọng điều chỉnh mô hình phát triển đô thị theo hướng tránh hiện tượng phát triển lan tỏa theo đề xuất dự án của nhà đầu tư; mà ngược lại, cần xác định khung cấu trúc tổng thể để điều tiết và định hướng, giảm thiểu các nguy cơ cho phát triển dài hạn... Ngoài ra, việc điều chỉnh, thay đổi phải đánh giá tác động và phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan. Không gây thất thoát, lãng phí, tính toán bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường và bảo đảm sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, phát triển hài hòa, giữ gìn cảnh quan môi trường, đáp ứng về an ninh - quốc phòng...
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là đồ án quy hoạch được xây dựng công phu, khoa học và chất lượng. Vấn đề còn lại là tạo được sự đồng thuận, thống nhất cả trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch. Từ đó, tạo tiền đề để khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị hiện đại, văn minh và giàu bản sắc, đưa TP Thanh Hóa trở thành một cực động lực phát triển của tỉnh Thanh Hóa, theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại và kiểu mẫu.