QUY HOẠCH ĐẤT ĐAI PHẢI TÍNH KỸ YẾU TỐ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ KIẾN THIẾT KHÔNG GIAN SỐNG XANH

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như tại các diễn đàn Quốc hội, vấn đề quy hoạch đất đai gắn với yếu tố bảo vệ môi trường luôn là mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội. Quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần tính đến yếu tố bảo vệ môi trường, kiến thiết không gian sống xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Cần bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể là ba nhóm điều ước quốc tế về: Quyền con người; Môi trường; Thương mại, đầu tư. Về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề như: Rà soát dự thảo Luật và pháp luật chuyên ngành về môi trường như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để bảo đảm tính thống nhất, không làm cản trở việc thực thi các điều ước quốc tế có liên quan; Rà soát các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ trong dự thảo Luật để bảo đảm không trái các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tránh phát sinh tranh chấp; Rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86 dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi; quy định một cách cụ thể, rõ ràng các loại dự án, tránh quy định quá rộng, chung chung.

Theo đó, cần rà soát các trường hợp: “dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch” ; “dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp”; “dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”; “dự án đô thị”; “dự án khu dân cư nông thôn”; “dự án lấn biển”; “dự án khai thác khoáng sản”; rà soát một số trường hợp thu hồi đất do ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân quy định tại điểm d khoản 4 Điều 86 để không trùng lặp với quy định tại Điều 89 dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có 22 Điều, khoản quy định nội dung liên quan đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung nhiều hơn nữa các nội dung, điều khoản liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phản ánh, về đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại được hình thành từ việc lấn biển, hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại. Đại biểu cho rằng nên hình thành quy định chặt chẽ về vấn đề sử dụng đất trong các trường hợp gây ảnh hưởng môi trường.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phản ánh, thực tế cho thấy tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đã làm ô nhiễm, suy thoái đất nghiêm trọng trong thời gian qua. Dự thảo Luật Đất đai đã quy định về sử dụng đất nông nghiệp tại các Điều 174, 175, 176 và 178, với các nội dung quan trọng về đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng; Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; Đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng; Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng; Đất trồng lúa. Tuy nhiên, những quy định này chưa đề cập đến việc bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy, cần bổ sung đầy đủ nội dung này.

Đối với việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, Điều 77 trong dự thảo Luật quy định, các trường hợp thu hồi do vi phạm bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm; Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất…

Tuy nhiên, chưa có quy định nào liên quan đến thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát và bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện nay.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu K’Nhiễu, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh, đối việc đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận của nhà đầu tư cần gắn với lợi ích quốc gia công cộng, kể cả trường hợp đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp này, dự án phải xem xét toàn diện về phân tích lợi ích, chi phí lợi ích đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Đây chính là yếu tố Nhà nước phải quan tâm, trên cơ sở đó mới cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, giá đất trong các trường hợp này được xác định ra sao cho phù hợp với giá cả thị trường, đồng thời cũng là tham số của bài toán đấu thầu.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng đến phát triển bền vững

Cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khi quy hoạch đất đai, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, ở Việt Nam, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Do đó, việc gắn liền quy hoạch đất khu công nghiệp với bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất to lớn.

Quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp góp phần tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực về môi trường Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia. Nâng cao vị thế của nước ta trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu về môi trường. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Đối với các nước phát triển, các nước công nghiệp thì vấn đề quy hoạch đất đai đã được chú trọng và phát triển một cách có hệ thống, bài bản. Với các nước chậm phát triển thì vấn đề này ít được chú ý hơn nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm đến quy hoạch mà mới chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định. Mặc dù mức độ quan tâm của các nước về vấn đề quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị có sự chênh lệch nhau. Nhưng có thể thấy, vấn đề này đã và đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu và ngày càng được các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật quan tâm, chú ý nhiều hơn.

Quy hoạch vùng và quy hoạch đất đai, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp đang biến đổi từng ngày do sức ép tăng dân số và tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần tiếp cận tổng thể về kinh tế xã hội, môi trường, kiến trúc vùng đô thị trong đó coi trọng ba vấn đề: Bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và kiến thiết không gian sống.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp để phát triển bền vững. Cụ thể, chống thoái hóa đất đai, bảo vệ tài nguyên đất bền vững. Chính vì vậy, việc quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp là việc khoanh định một khu vực địa lý nhất định mà trong khu vực địa lý đó có rất nhiều các loại đất như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nằm xen kẽ, “xôi đỗ” với nhiều loại đất khác. Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm xen kẽ các khu dân cư đông đúc; Cải tạo hệ thống giao thông đô thị, giảm ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí; Tăng cường quản lý hoạt động thi công xây dựng các công trình để bảo vệ môi trường không khí.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dựa vào hệ sinh thái; quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, gắn với hạ tầng giao thông; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất đô thị thông minh; ứng dụng công nghệ GIS (phân tích hiện trạng sử dụng đất) và hạch toán kinh tế môi trường; quy hoạch không gian biển… nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trong tương lai.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải chú trọng quy hoạch đất đai cần một “nhạc trưởng” là những kiến trúc sư có tầm, có tâm mới có thể xây dựng một quy hoạch đất đai mang dấu ấn của thời đại, đồng thời có thể đem lại những thành phố với “kiến trúc xanh”, có diện mạo đặc thù để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của Việt Nam.

Quy hoạch đất đai cũng cần chú ý đến vấn đề phân chia rõ ràng hơn giữa nông thôn đô thị và đô thị trong nông thôn. Cần quy hoạch đất đai phù hợp cho khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tách biệt khỏi khu dân cư, bệnh viện, trường học... để hạn chế ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao gây ra.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74688