Quy hoạch không gian cho phát triển công nghiệp văn hóa

Với bề dày lịch sử, văn hóa, Hà Nội có nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, TP đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển CNVH.

Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa CNVH thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô.

Bảo tồn, phát huy các không gian văn hóa

Mới đây trong nội dung Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, đã yêu cầu Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển CNVH, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển CNVH như không gian Hoàng thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống. Xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại, đặc sắc, đặc thù mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô.

Biểu diễn nghệ thuật trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Biểu diễn nghệ thuật trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Một trong những văn bản được TP ban hành nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNVH là Kế hoạch số 129/KH-UBND, của UBND TP Hà Nội về: “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thông qua văn bản một lần nữa khắc sâu thêm những ý nghĩa to lớn, vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển CNVH.

Mục tiêu được TP xác định là phát triển CNVH trên địa bàn thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Để triển khai hiệu quả mục tiêu trên, chính quyền TP yêu cầu sở, ngành, quận huyện, thị xã có các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Trong đó, cần tích hợp đồng bộ các mục tiêu đầu tư, dự án thuộc lĩnh vực phát triển CNVH vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản công nghiệp, di sản đô thị của Thủ đô, bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa mới, trung tâm thiết kế sáng tạo, trung tâm biểu diễn nghệ thuật...

Đặc biệt trong đó tập trung vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các không gian hai bên sông phục vụ phát triển CNVH Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP cũng yêu cầu, quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các dự án phát triển CNVH của địa phương, trong đó ưu tiên bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, các điểm du lịch văn hóa, vui chơi, giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, thiết chế văn hóa, công viên văn hóa tại từng khu vực dân cư, trang trại sinh thái... Triển khai một số dự án, đề án quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.

Tích cực vào cuộc

Nhằm triển khai kế hoạch của TP, các địa phương đã và đang tích cực vào cuộc thực hiện. Trưởng phòng Văn hóa &Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Phúc Thọ là vùng đất cổ xứ Đoài, có nền văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Theo thống kê, huyện có 201 di tích, trong đó có 107 di tích đã được xếp hạng với 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 45 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 59 di tích xếp hạng cấp TP. Hàng năm, huyện có 68 lễ hội truyền thống…

Đây là nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào để huyện có thể huy động, phát huy hiệu quả cho phát triển CNVH. Cụ thể, Phúc Thọ đã rà soát, tích hợp Quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch để phát triển các ngành CNVH gắn liền với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, nhất là Trung tâm văn hóa thể thao các xã, thị trấn; tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng các cấp trên địa bàn, nhất là quy hoạch, mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt.

Trong khi đó, đối với huyện Sóc Sơn, Trưởng phòng VH&TT Tống Giang Phúc cho biết: Để phát triển CNVH, huyện đã và đang tập trung triển khai một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; tăng cường đầu tư xây dựng mới các công trình có tính biểu tượng văn hóa mới cho huyện và có tiềm năng phát triển CNVH gắn với du lịch. Đầu tư nâng cấp chất lượng, phát triển sản phẩm làng nghề; các điểm mua sắm, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Với thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương đi đầu của Thủ đô trong xây dựng CNVH, Trưởng phòng VH&TT Nguyễn Hải Anh chia sẻ, với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển kinh tế, đến nay công tác phát triển CNVH của thị xã đã đạt được một số kết quả tương đối nổi bật. Trong đó, đầu tiên là về vấn đề quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích đã được thị xã hoàn thành việc lập hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thị xã cũng đã giao cho các đơn vị thực hiện nghiên cứu quy hoạch đền Vua Lê; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn và phát huy một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn… Đặc biệt, UBND thị xã đã phối hợp với chính quyền Beskásmegyer (quận III) - Thủ đô Budapet - Hunggari; vùng Ile-de-France - Cộng hòa Pháp trao đổi kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong lòng đô thị. Đồng thời đề nghị vùng Ile-de-France giúp thị xã trong công tác quy hoạch và bảo tồn phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm, đưa nơi đây trở thành điểm du lịch di sản phát triển trong tương lai.

Đặc biệt sự xuất hiện của nhiều mô hình làm du lịch đã được thực hiện như: Đoài Creative, Phát Studio, triển khai đề án xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn; trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh, cafe Làng cổ, ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ phục vụ du khách, cho thuê trang phục để chụp ảnh, thuê xe đạp, homestay, Đường Lâm mùa lúa chín…

Việc dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương tại cổng Làng cổ đã thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm. Nhờ đó, tính riêng trong năm 2023 và ước 6 tháng đầu năm 2024, Sơn Tây đã hướng dẫn cho gần 50 vạn khách tham quan, trong đó có hơn 5.000 du khách nước ngoài tại các di tích (di tích làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm; tuyến phố đi bộ và di tích Thành cổ Sơn Tây và các điểm di tích trên địa bàn thị xã) thu phí được hơn 1.100.000.000 đồng.

“Đây là số liệu còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương. Song đây là bước đệm quan trọng để ngành CNVH thị xã tiếp tục nỗ lực phát triển trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hải Anh khẳng định.

Hà Nội là TP ngàn năm văn hiến, các lớp cắt di sản lịch sử và văn hóa để lại sự khác biệt cho TP bên trong sông Hồng. Đan quyện trong TP là dòng chảy của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống tạo nên một TP sống động bậc nhất Đông Nam Á. Đó chính là tài sản xã hội quan trọng mà Hà Nội cần khai thác và phát huy.

TS Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư
con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) Việt Nam

Huy An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-khong-gian-cho-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa.html