Quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển mạng lưới đường bộ từng bước đồng bộ, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là động lực để thúc đẩy hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Tại lễ công bố trực tuyến quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 15/9, Thứ trưởng Thọ cho biết quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch đầu tiên trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.
Theo đó, quy hoạch đến năm 2030, cả nước sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và 172 tuyến Quốc lộ, tổng chiều dài 29.795km; đến năm 2050 hình thành 41 tuyến với 9.014km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.
Đại diện đơn vị lập quy hoạch, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết kết quả quy hoạch đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa; là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả.
"Quy hoạch ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia," ông Cường nói.
Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc, trong đó các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương như đã triển khai trong trước đây.
Sau khi đánh giá sự thành công của các mô hình địa phương triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang…, Thứ trưởng Thọ cho hay việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng là đổi mới tư duy quản lý trong giai đoạn tới, đặc biệt cần huy động sự vào cuộc toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và của các cấp, các ngành để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch./.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.