Quy hoạch phân khu cửa Đáy góp phần phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng
Nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững, ngày 11-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-UBND... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững, ngày 11-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-UBND phê duyệt đồ án “Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái cửa Đáy (thuộc khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông).
Khu vực bãi bồi phía Nam huyện Nghĩa Hưng được đánh giá là vùng tài nguyên quý giá của tỉnh, có khả năng phát triển các ngành kinh tế gắn với nguồn lợi từ biển như: Du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch sinh thái rừng ngập mặn… Khu vực có vị trí thuận lợi được tiếp cận từ nhiều hướng như: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, đường trục phát triển Cao Bồ - Rạng Đông, gần tuyến đường bộ ven biển; có hệ thống cảng sông Ninh Cơ; cách thành phố Nam Định - trung tâm công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng và của tỉnh khoảng 50km, cách thành phố Hải Phòng khoảng 120km, thành phố Hạ Long khoảng 160km theo đường biển. Bãi bồi Nghĩa Hưng là vùng được kiến tạo nhanh và bền vững với đường bờ mở rộng nhanh; chỉ tính trong 4-5 thập kỷ qua khu vực này đã được mở rộng hàng nghìn ha sử dụng tốt và ổn định cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, với những lợi thế và ưu đãi của thiên nhiên như vậy, khu vực này phát triển còn rất hạn chế so với tiềm năng và lợi thế của nó. Trước nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, nhiệm vụ phát triển khu vực kinh tế biển của tỉnh được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những trọng điểm đột phá, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. Ngoài ra, việc phát triển khu vực kinh tế biển không những là cú hích thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng mà còn có tác động lan tỏa cả vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung. Trước đây đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông và cụ thể là phân khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ được quy hoạch với các chức năng chính là công nghiệp, dịch vụ, cây xanh, công cộng, đô thị… được phân chia thành các lô đất theo dạng ô cờ. Sự phân chia một mặt rất thuận lợi cho phát triển giao thông, song mặt khác sự phân chia cũng tạo thành các lô đất công nghiệp không đủ lớn, nhỏ lẻ, không tạo được các lô đất công nghiệp có quy mô lớn để có thể đáp ứng yêu cầu thu hút những nhà đầu tư lớn với những dự án lớn có quy mô tầm cỡ, khiến cho việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Do đó ngày 7-9-2021 UBND tỉnh đã có Quyết định số 1919/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, tỉnh Nam Định đến năm 2040 nhằm thay đổi linh hoạt tính chất sử dụng đất, tạo ra những quỹ đất công nghiệp đủ lớn, cũng như góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 961,4ha, phân khu cửa Đáy quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là trên 45.800 người với 381,79ha đất công nghiệp. Tính chất phát triển khu vực quy hoạch là khu chức năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng trọng tâm và chuyên sâu về công nghiệp; có hệ thống hạ tầng đồng bộ và môi trường phát triển bền vững, là trung tâm kinh tế biển của tỉnh và cả nước; phát triển năng động, có môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Khu vực quy hoạch được kết nối mọi mặt với các khu chức năng khác của đô thị Rạng Đông, trong đó về giao thông sẽ kết nối bằng các tuyến đường trục kinh tế, tỉnh lộ 490C, đường Rạng Đông, đường đê sông Đáy và các tuyến đường biển, đường sông. Cấu trúc phát triển không gian tại đây chia thành 2 khu vực gồm khu vực chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ (Phân khu I) và khu vực chức năng du lịch sinh thái cửa Đáy (Phân khu II). Khu vực chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ có diện tích xây dựng khoảng 808,4ha, cơ bản được bố trí đất công nghiệp theo quy hoạch chung và quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh và hướng tới trở thành khu vực tạo động lực phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ. Các khu chức năng chính được định hướng gồm có: khu công trình sản xuất, công nghiệp, khu cây xanh, hồ điều hòa, khu nhà ở công nhân và chuyên gia, khu kho vận, công trình dịch vụ công cộng, khu hạ tầng kỹ thuật. Đối với khu đất quân sự xây dựng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, quy hoạch 5ha theo hiện trạng đang quản lý sử dụng. Khu vực chức năng du lịch sinh thái cửa Đáy có diện tích là 153ha được phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ hóa gắn với du lịch, dịch vụ sinh thái. Các khu chức năng chính gồm khu nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, khu hồ nước sinh thái, điều hòa và khu cây xanh sinh thái chuyên đề nhằm phục vụ cho khu vực quy hoạch nói riêng và đô thị Rạng Đông nói chung. Hệ thống giao thông được thiết kế đảm bảo liên hệ thuận tiện giữa các khu chức năng, các khu vực phụ cận, đảm bảo mỹ quan và các tiêu chuẩn ngành; đáp ứng được các nhu cầu vận tải, phù hợp với cấu trúc quy hoạch không gian trong các giai đoạn tiếp theo. Tổ chức các tuyến đường trong phân khu rộng trung bình từ 25m-34m đảm bảo các phương tiện lưu thông thuận tiện, các tuyến đường xây dựng mới đảm bảo quy mô mặt cắt, độ dốc dọc để thoát nước mặt nhanh nhất. Quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng, được thu gom và thoát vào các hồ điều hòa của khu vực ra kênh chính của khu và thoát ra sông Đáy, tại điểm thoát ra bố trí cống điều tiết để ngăn mặn, ứng phó với triều cường, giữ nước ngọt cho hồ điều hòa. Nguồn nước cấp cho khu quy hoạch dự kiến sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy nước công suất 50 nghìn m3/ngày đêm theo quy hoạch chung đặt tại Phân khu chức năng đô thị thương mại tổng hợp. Nguồn nước thô cấp cho nhà máy nước dự kiến được lấy từ sông Đáy tại đoạn sông nằm giữa cống Lý Nhân (thuộc xã Nghĩa Sơn) và Tam Tòa (thuộc xã Nghĩa Châu). Hệ thống đường điện được đi ngầm trong hào kỹ thuật, theo các tuyến đường giao thông và trên vỉa hè, các trạm hạ thế được bố trí tại các khu vực cây xanh, các vị trí thích hợp và sử dụng loại trạm ki-ốt hoặc trên cột để đảm bảo cảnh quan cho khu vực. Quy hoạch xây dựng 1 điểm cung cấp đa dịch vụ bưu chính - viễn thông công cộng có người phục vụ tại khu vực đất dịch vụ hỗn hợp. Định hướng sẽ thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt của khu quy hoạch về khu xử lý rác tập trung đã được quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông. Đây cũng là vị trí khu xử lý rác thải sinh hoạt được cụ thể hóa theo quy hoạch khu xử lý chất thải của tỉnh Nam Định. Rác thải công nghiệp được đưa về nhà máy xử lý đã được quy hoạch trong đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030.
Đồng chí Phan Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái cửa Đáy (thuộc khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông) với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cảnh quan kiến trúc đẹp đáp ứng được nhu cầu quản lý quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, cảnh quan khu vực huyện Nghĩa Hưng nói riêng cũng như của tỉnh nói chung. Quy hoạch đã đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, cụ thể hóa quan điểm của tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 16-7-2021 của UBND tỉnh, mở ra hướng thu hút đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của huyện Nghĩa Hưng trong tương lai./.
Bài và ảnh: Thành Trung