Quy hoạch tập trung làng nghề xa khu dân cư

Sáng 22.3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý nhà nước về hoạt động của làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Miện.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại làng nghề bánh đa Hội Yên ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện)

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại làng nghề bánh đa Hội Yên ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện)

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khẳng định một số làng nghề ở huyện Thanh Miện có tiềm năng phát triển và cần được duy trì, thúc đẩy sản xuất. Lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xây dựng đề án di dời, quy hoạch tập trung làng nghề xa khu dân cư để bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Làng nghề thêu tranh treo tường, móc sợi xuất khẩu An Dương (xã Chi Lăng Nam) và làng nghề ghép trúc, thêu tranh treo tường La Ngoại (xã Ngũ Hùng) không còn duy trì hoạt động thì cần lập hồ sơ bỏ chứng nhận làng nghề. Cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề, kết nối với tuyến du lịch Đảo Cò và phát triển mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề bánh đa truyền thống Hội Yên, Tào Khê.

Đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát

Đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát

Tính đến hết năm 2021, huyện Thanh Miện có 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận nhưng hiện chỉ còn 5 làng nghề duy trì sản xuất. Hiện nay, huyện chưa có cơ chế hỗ trợ riêng cho các làng nghề, chủ yếu gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường của địa phương. Huyện ưu tiên triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các làng nghề đã được công nhận như đã thực hiện 3 dự án hỗ trợ đầu tư máy móc, đổi mới quy trình, công nghệ cho 3 cơ sở sản xuất tại làng nghề bánh đa Hội Yên và làng nghề bánh đa, mây giang xiên Đào Lâm; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bánh đa của làng nghề bánh đa Hội Yên; đưa sản phẩm bánh đa Q5 của làng nghề bánh đa Hội Yên được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Tại buổi giám sát, huyện Thanh Miện đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có các giải pháp thật sự hiệu quả hỗ trợ phát triển làng nghề; tăng cường đầu tư kinh phí cho các dự án đào tạo nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới quy trình sản xuất trong các làng nghề; từng bước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề; có cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp tại những địa phương có nhiều lao động làm nghề; có cơ chế khen thưởng thỏa đáng đối với tập thể, cá nhân làm tốt công tác du nhập nghề.

PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/quy-hoach-tap-trung-lang-nghe-xa-khu-dan-cu-198819