Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050: Tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội
Nhằm xây dựng Thủ đô - Thành phố Anh hùng, hòa bình, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng xã hội, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Hy vọng khi quy hoạch Thủ đô hoàn thành, Hà Nội sẽ góp phần kiến tạo-tạo động lực phát triển cho cả nước.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch. Trong đó, công tác lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ nên để hoàn thành theo đúng yêu cầu tiến độ đang là một thách thức rất lớn.
Để thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, TP đang tích cực triển khai trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch 2017 và Luật có liên quan.
Đối với Hà Nội, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 3/2022, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP tổ chức triển khai. Tháng 4/2022, UBND TP đã có quyết định giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, UBND TP ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 phân công nhiệm vụ cụ thể và mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc, đơn vị liên quan.
Nếu như trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch thường được thực hiện theo tầng bậc và độc lập trong từng ngành, lĩnh vực. Thì nay, việc nghiên cứu quy hoạch được tổ chức theo phương pháp tích hợp với nhiều nội dung thống nhất trong một bản quy hoạch trên một địa bàn tỉnh. Trong khi thời gian còn rất ít, vấn đề nằm ở cơ quan thẩm tra, cơ quan tổ chức thực hiện cần có những cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Hiện Hà Nội đang có đặc thù, trong một địa bàn, trên cùng diện tích, cùng thời gian quy hoạch, có hai quy hoạch cùng triển khai song song đồng thời. Đó là lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vì vậy, có nhiều nội dung cần phải phân định rất rõ.
Đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội chưa từng có tiền lệ, cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra. Do đó, để tránh chồng chéo, trùng lặp, cũng như để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 327/KH-UBND về thông tin, tuyên truyền công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan và của TP về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tích cực tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị TP.
Đồng thời tuyên truyền về công tác chuẩn bị các nội dung phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để xây dựng khung định hướng Quy hoạch Thủ đô giai 2021 - 2030; công tác khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, TP đã hoàn thành công tác lập quy hoạch giai đoạn tới.
Đáng chú ý, trong tuyên truyền các nội dung triển khai thực hiện báo cáo lập Quy hoạch Thủ đô đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ, hoàn thiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập Quy hoạch Thủ đô; định hướng lớn; ý kiến chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP; hệ thống dữ liệu cần thu thập; khung định hướng Quy hoạch Thủ đô.
Qua đó, giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân; tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô.